Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Đà Nẵng - Chạy đua với mưa

PDF.InEmail

altTrong cơn mưa nặng hạt, chúng tôi đến thăm những công trình xây dựng cầu, và thật bất ngờ, bất chấp mưa gió, trên các công trường vẫn duy trì mỗi ngày 2-3 ca làm việc với không khí rất khẩn trương.

 

Trao đổi với chúng tôi ngay chân công trình cầu Rồng, kỹ sư Phạm Trường Sơn, Giám đốc Ban Quản lý cầu Rồng rất tự tin cho biết: “Anh thấy đó, mưa rất nặng hạt và những ngày gần đây, do ảnh hưởng cơn bão số 4 nên gió trên sông khá mạnh, tuy nhiên đơn vị vẫn bảo đảm quân số và duy trì mỗi ngày 2 ca thay phiên nhau làm việc. Gần 20 thiết bị hạng nặng như cẩu 40 tấn, thiết bị khoan, sà lan... đều được huy động và làm việc trải đều trên công trình từ bờ đông sang bờ tây với khí thế rất khẩn trương.
 
Nhờ vậy đến thời điểm giữa tháng 9 đã hoàn thành khoảng 55% khối lượng công trình. Đặc biệt, các hạng mục khó nhất và dễ bị ảnh hưởng thời tiết nhất là phần hạ bộ cầu đã hoàn thành từ cuối tháng 7, vì vậy thời gian qua thi công chủ yếu phần thượng bộ nên vẫn duy trì được tiến độ công việc”. Để bảo đảm an toàn cho công nhân, công trình và thiết bị, Ban Quản lý đã có phương án đối phó khi có bão xảy ra. Đó là các loại vật tư và thiết bị thi công nhỏ gọn sẽ được chuyển vào các nhà kho, với các thiết bị thi công lớn, cồng kềnh sẽ được di chuyển đến các bờ mố dọc đường Trần Hưng Đạo, sà lan được di chuyển vào bờ, trong trường hợp bão lớn sẽ có tàu lai dắt về khu tránh bão âu thuyền Thọ Quang. Hiện nay, công trình đã gắn hệ thống đèn tín hiệu báo bão, lũ, nếu thời tiết diễn biến xấu, hệ thống này sẽ báo động và ngay lập tức ngừng thi công, di chuyển vào nơi an toàn.

Tương tự, không khí làm việc tại công trình cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý cũng sôi nổi không kém. Phải cố gắng lắm chúng tôi mới theo kịp nhóm công nhân đi từ lán trại phía bờ tây băng qua bãi đất bùn nhão nhoẹt để ra trụ S5. Trong tiếng mưa và tiếng gió rít từng cơn, anh công nhân Nguyễn Văn Hùng vui vẻ giải thích: “Cái lo nhất của chúng tôi đã ở “sau lưng” khi việc đổ trên 5 ngàn mét khối bê-tông khối dầm SG2 đã hoàn thành được 1 tuần nay và phần đổ bê-tông cho trụ S5-trụ có sàn vọng cảnh trên đỉnh - cũng đã hoàn thành gần nửa tháng nay. Nhờ tính toán “chạy lũ”, những công việc liên quan đến công đoạn đổ bê-tông đã xong, do vậy các phần việc còn lại vẫn có thể triển khai bình thường trong mưa gió.

Nói là “bình thường”, tuy nhiên chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ đứng nhìn các anh làm việc, chúng tôi đã cảm thấy lạnh vì ướt và gió quá mạnh. Thế nhưng ở trụ S5, một nhóm gần 50 công nhân vẫn miệt mài phối hợp nhịp nhàng việc đưa sắt từ sà lan đến chân mố trụ, sau đó chuyển tiếp lên cho những công nhân đang đu người trên cao để đưa vào vị trí hàn. Cực nhọc là vậy, tuy nhiên tiến độ khá nhanh, hiện nay phần thi công sắt cho thân trụ đã cao được 4-5 mét. Trong khi đó tại bờ tây, nhờ việc giải tỏa nhà hàng Anh & Em hoàn thành nên có mặt bằng để thi công. Theo một giám sát an toàn kỹ thuật công trình cho biết, nhờ mặt bằng chân cầu phía tây được giải phóng rộng rãi không những tạo điều kiện thi công thuận lợi mà còn có thể tạo thành đường công vụ vừa phục vụ cho việc tập kết các thiết bị và vật tư, đồng thời đây cũng là con đường “rút lui” an toàn cho cả người và thiết bị trong trường hợp có bão, hoặc nước sông dâng cao đột xuất.

Mặc dù mới khởi công từ tháng 5-2011 với hầu hết công việc đang thực hiện ở phần hạ bộ, thế nhưng không khí lao động trên công trình cầu Nguyễn Tri Phương cũng rất sôi động và khẩn trương. Dưới trời mưa tầm tã, trên 200 công nhân vẫn miệt mài bám vị trí làm việc. Anh Lê Viết Toàn, công nhân thuộc Công ty CP 479 cho biết, mưa liên tục nhưng các anh vẫn làm việc có kỷ luật nhằm bảo đảm tiến độ, vừa tránh tai nạn xảy ra. Đặc biệt, sau đợt kiểm tra của Tổng công ty về vấn đề an toàn lao động trong mùa mưa bão, các đơn vị thi công đã hoàn thành các công tác hậu cần phục vụ cho công trình như gia cố nền đường công vụ, sửa chữa lại hệ thống cung cấp điện…

Trao đổi với chúng tôi, đại diện các đơn vị thi công là Công ty CP 479, Công ty CP Xây dựng và đầu tư 492, Công ty Công trình đô thị và Công ty Sông Hồng miền Trung (Tổng Công  ty Xây dựng công trình giao thông 4) đều cho biết ưu tiên hàng đầu thời điểm hiện nay là duy trì tiến độ công trình và tránh thiệt hại do mưa bão gây ra. Bên cạnh việc tổ chức thi công, các đơn vị cũng có phương án đối phó với mưa bão trong thời gian đến.
 
Theo Báo Đà Nẵng

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 391 khách Trực tuyến