Trong ba năm liền (2009-2011), TP Ðà Nẵng được Ban Chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin (CNTT) xếp vị trí đứng đầu về mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT-TT (ICT Index) của Việt Nam và lần thứ 6 liên tiếp có mặt trong tốp 5 của bảng xếp hạng ICT Index Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, thành phố vẫn còn những thách thức, khó khăn phải vượt qua.
Thực hiện Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17-10-2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về Ðẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH - HÐH và Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Ðà Nẵng về chủ trương phát triển công nghiệp phần mềm, từ năm 2001, UBND thành phố Ðà Nẵng đã thành lập Ban Chỉ đạo CNTT thành phố.
Từ khi triển khai, Ðà Nẵng đã từng bước tạo được sự đồng thuận và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan; đưa lại nhiều hiệu quả đa dạng trong mỗi chương trình, đề án, kế hoạch về ứng dụng và phát triển CNTT. Về giải pháp ứng dụng CNTT vào trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, Ðà Nẵng khởi đầu bằng việc trang bị máy vi tính, đưa dần các phần mềm thiết thực nhất cho từng cơ quan, đơn vị. Từng bước, đi từ cập nhật số liệu thống kê, kế toán, lưu trữ tài liệu, tiếp đó là nối mạng nội bộ, rồi kết nối in-tơ-nét để phục vụ trực tiếp cho yêu cầu công việc. UBND thành phố xây dựng trang thông tin điện tử cung cấp cho người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư những thông tin cơ bản, cần thiết nhất, cũng như những thủ tục hành chính liên quan đến thành phố. Trong từng giai đoạn, Thành ủy và UBND thành phố đều có nghị quyết, chủ trương cụ thể, sát thực. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đầu tư và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT ở đơn vị mình. Tùy theo chức năng, từng sở, ban, ngành, các đơn vị đã truyền lên mạng nội bộ các bộ thủ tục hành chính cần thiết mà doanh nghiệp và công dân quan tâm. Từng cơ quan, đơn vị được phổ biến, quán triệt sâu sắc về chủ trương, tập huấn kiến thức cơ bản về máy tính, về phần mềm ứng dụng cho đơn vị mình. Hàng loạt trung tâm đào tạo tin học ra đời, số lượng sinh viên tốt nghiệp CNTT giai đoạn 2000-2003 chỉ khoảng 1.000 người/năm, thì hiện nay tăng lên khoảng 7.000 người/năm. Ðặc biệt, thành phố còn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành CNTT với chương trình "Ðào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ". Ða số đối tượng dự học đều trở thành chuyên gia về CNTT. Chương trình thu hút nhân tài của thành phố cũng tạo thêm nguồn lực quan trọng từ số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học trong và ngoài nước. Cơ sở hạ tầng CNTT cũng được Ðà Nẵng đầu tư đúng mức và thỏa đáng. Mạng trục thành phố được thiết lập bằng mạng truyền số liệu chuyên dùng, triển khai đến 72 đơn vị, từ UBND thành phố đến các sở, ngành, quận huyện. Việc đưa Công viên phần mềm (CVPM) Ðà Nẵng vào hoạt động đã tạo ra một đầu mối lớn về môi trường hạ tầng CNTT-TT hiện đại, bảo đảm yêu cầu lưu ký, vận hành hơn 40 trang thông tin điện tử chuyên biệt của các sở, ngành và các hệ thống thông tin khác, phục vụ nhu cầu tin học hóa của các cơ quan Nhà nước và phục vụ trực tiếp cho phát triển công nghiệp sản xuất, kinh doanh phần mềm của thành phố. Trong Nghị quyết Ðại hội lần thứ 20 của Ðảng bộ TP Ðà Nẵng, nhiệm kỳ 2010 - 2015, một trong năm hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội của Ðà Nẵng đã xác định là phát triển công nghiệp CNTT và công nghiệp công nghệ cao, nhằm tạo nên bước đột phá cho một Ðà Nẵng không chỉ văn minh mà còn hiện đại trong tương lai.
Ðến đầu năm 2010, Ðà Nẵng là địa phương duy nhất trong cả nước triển khai dịch vụ hành chính một cửa điện tử ở tất cả các xã, phường (56/56), phục vụ công tác tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho công dân. Ðiều này tạo thuận lợi tối đa cho người dân khi tiến hành các thủ tục tại chỗ, rút ngắn thời gian chờ đợi, đi lại và hạn chế tối đa phiền hà, đồng thời làm tăng hiệu quả quản lý điều hành và giải quyết thủ tục hành chính tại cơ sở, góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn Ðề án cải cách thủ tục hành chính của thành phố. Ðà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành qua mạng ở tất cả 27 đầu mối sở, ban, ngành trực thuộc. Tỷ lệ cán bộ công chức sử dụng máy tính là một người/một máy, 100% máy tính trong các cơ quan quản lý nhà nước được kết nối mạng LAN và in-tơ-nét sử dụng đường truyền tốc độ cao ADSL. Các trang thông tin điện tử của sở, ngành, quận, huyện cải thiện chất lượng nhanh chóng, trong đó phục vụ trao đổi thông tin hai chiều chiếm tỷ lệ 93%, cung cấp biểu mẫu, thủ tục hành chính 92%. Một số dịch vụ công bắt đầu thực hiện qua mạng, như đăng ký lưu trú trực tuyến, xác nhận đối tượng gốc Việt Nam, xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo có yếu tố nước ngoài, cấp phép xây dựng qua mạng liên thông. Cổng thông tin điện tử TP Ðà Nẵng trở thành nơi giao dịch, cung cấp thông tin toàn diện cho người dân, nhà đầu tư, du khách... góp phần quảng bá hình ảnh Ðà Nẵng trên mạng in-tơ-nét. Trên nền tảng của hệ thống một cửa điện tử qua mạng in-tơ-nét, rút kinh nghiệm từ triển khai "điện tử-một cửa-hiện đại" tại quận Thanh Khê, đầu năm nay, Ðà Nẵng cho triển khai thí điểm "Phường điện tử" tại phường Thuận Phước (quận Hải Châu). Ông Nguyễn Dũng Sỹ, Chủ tịch UBND phường cho biết: Chúng tôi thực hiện hầu hết công việc điều hành, quản lý, thủ tục hành chính qua hệ thống máy tính. Ðiều này ban đầu cũng gặp nhiều trở ngại, nhưng nếu làm tốt sẽ tiết kiệm chi phí, thời gian rất lớn, và việc giám sát của nhân dân, của cấp trên và cơ quan chức năng cũng sẽ kịp thời, chính xác hơn hẳn. Hàng loạt chương trình, ứng dụng được cập nhật và khai thác hiệu quả, như phần mềm quản lý, gửi nhận văn bản, cơ sở dữ liệu đảng viên, cơ sở dữ liệu cho các ngành Tuyên giáo, Kiểm tra, Tổ chức Ðảng... Các chương trình, phần mềm ứng dụng dùng chung được lãnh đạo, cán bộ và chuyên viên khai thác hằng ngày, phục vụ cho công việc chuyên môn.
Ðặc biệt, CVPM Ðà Nẵng (vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, bao gồm hai tòa nhà, đi vào hoạt động cuối tháng 10-2008), đã tạo ra môi trường hạ tầng CNTT và truyền thông hiện đại, phục vụ trực tiếp cho sự phát triển công nghiệp phần mềm của thành phố. Tính đến nay, CVPM Ðà Nẵng được khai thác với diện tích lấp đầy 81%, thu hút gần 40 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu phần mềm và nội dung số.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng: Dù làm được rất nhiều việc, nhưng thách thức lớn nhất vẫn còn ở phía trước. Vai trò của công nghiệp CNTT trong nền kinh tế vẫn còn mờ nhạt và chưa thật hiệu quả, chưa có nhiều đóng góp vượt trội, đáp ứng kịp thời kỳ vọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận cán bộ chưa thật đầy đủ, đúng đắn về vai trò của CNTT trong hiện tại và tương lai, có cả tâm lý ngại thay đổi.
Ðà Nẵng đang hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố công nghệ cao. Cơ sở của vấn đề trước hết là bảo đảm một hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại. Trong khi đó, việc đầu tư cho CNTT đòi hỏi chi phí lớn, thời gian thu hồi vốn dài và cần một hệ thống kết nối kỹ thuật đồng bộ. Vì thế, để giải quyết khó khăn này, cùng với quá trình đầu tư phát triển ứng dụng CNTT, Ðà Nẵng đang đẩy mạnh nguồn lực, tập trung xây dựng hạ tầng Khu CNTT tập trung và khu công nghệ cao ở phía tây thành phố và xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế đến đầu tư, hợp tác.
Với hướng đi đồng bộ, từ xây dựng kiến thức "nền" trong xã hội, bảo đảm cơ sở hạ tầng công nghệ - thông tin, quy hoạch và chú trọng phát triển khu công nghiệp tập trung, tiến tới gắn kết các quá trình nghiên cứu - đào tạo - ứng dụng, phát triển thị trường - cải cách hành chính trong hệ thống công... Ðà Nẵng đang có những bước đột phá quan trọng và khả thi, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, tác động tích cực đến cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Theo nhandan.org.vn