Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Doanh nghiệp địa ốc: Nội co cụm, ngoại thâu tóm

PDF.InEmail

altTrong khi khó khăn buộc nhiều doanh nghiệp địa ốc trong nước phải thu hẹp hoạt động, bán bớt dự án thì các tập đoàn nước ngoài đã tranh thủ mua lại.

Là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, nhưng tại Đại hội cổ đông được tổ chức vào cuối tháng 4.2011, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận năm 2011 không tăng so với năm 2010. Công ty này cho biết sẽ bán bớt một số dự án để giảm bớt khó khăn về vốn. Khoảng 2 tháng sau khi thông tin này được đưa ra, tập đoàn bất động sản Singapore CapitaLand đã công bố mua lại 65% vốn trong một dự án bất động sản của Quốc Cường Gia Lai. Không chỉ Quốc Cường Gia Lai, nhiều công ty khác cũng phải thu hẹp hoạt động.

 

Nội co cụm

Mùa đại hội cổ đông năm nay, bên cạnh mục tiêu lợi nhuận sụt giảm, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng đã hoạch định lại chiến lược ban đầu. Thay vì đầu tư dàn trải, các doanh nghiệp chỉ tập trung vào những dự án trọng điểm. Hàng loạt dự án, kế hoạch đã được các doanh nghiệp hoãn lại để chờ qua cơn bĩ cực.

Tại Đại hội cổ đông của Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng vào cuối tháng 3.2011, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Võ Anh Tuấn cho biết Công ty sẽ không đầu tư dàn trải mà sẽ tập trung vào các dự án chính có khả năng cạnh tranh và khả năng thu hồi vốn tốt là dự án Khu phức hợp La Casa (quận 7, TP.HCM), Khu Dân cư Nhơn Đức (Nhà Bè, TP.HCM).

Ngoài ra, để bổ sung nguồn vốn cho các dự án này, Vạn Phát Hưng cũng sẽ bán bớt quỹ đất từ các dự án nhỏ lẻ hiện có, đồng thời rút vốn khỏi nhiều dự án và các công ty con. Cụ thể, Công ty sẽ thương thảo chuyển nhượng 44.700 m2 đất tại quận 9, TP.HCM với doanh thu dự kiến khoảng 89 tỉ đồng, chuyển nhượng phần vốn góp tại dự án Tân Tạo - Bình Tân với giá trị khoảng 150 tỉ đồng.

Tại Đại hội cổ đông của Công ty Nhà Việt Nam, Tổng Giám đốc Trần Đức Khiêm cũng cho biết năm nay Nhà Việt Nam sẽ không đầu tư dàn trải mà tập trung triển khai các dự án thành phần còn lại của dự án The Boat Club Residence (quận 9). Bên cạnh đó, Công ty sẽ gác lại kế hoạch xây dựng 2 khu chung cư Condo I và II thuộc The Boat Club Residence, do khó khăn đầu ra. Công ty cũng cho biết đã chuyển nhượng 4.920 m2 đất tại phường Trường Thạnh, quận 9 với tổng giá trị 7,87 tỉ đồng vì không có khả năng kinh doanh.

Không chỉ những doanh nghiệp cỡ vừa như Vạn Phát Hưng hay Nhà Việt Nam mới đặt ra chiến lược co cụm trong năm 2011. Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản, đã dự định khởi công nhiều dự án trong năm nay, nhưng sau Đại hội cổ đông cũng đành gác lại tham vọng mà chỉ tập trung cho các dự án căn hộ Belleza (quận 7) và Hùng Vương (quận 5). Những dự án khác như Khu Dân cư Phú Thuận (quận 7), Khu Dân cư Greenfield (Thủ Đức), Tản Đà (quận 5) đều được doanh nghiệp này quyết định giãn tiến độ sang năm 2012.

Theo ban lãnh đạo Sacomreal, giãn tiến độ những dự án trên sẽ giúp giảm áp lực tài chính nhằm đảm bảo kế hoạch lợi nhuận năm 2011 là 300 tỉ đồng. Con số này đã được điều chỉnh giảm 600 tỉ đồng so với mục tiêu tại báo cáo thường niên của Sacomreal.

Hồi đầu tháng 6.2011, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Miền Trung cũng đã thông qua việc chuyển nhượng Khách sạn Đà Nẵng Riverside và khu đất 5.000 m2 tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng (dưới chân cầu Rồng). Lý do chuyển nhượng là ổn định nguồn lực tài chính để Công ty có thể tập trung vào sản xuất kinh doanh, giảm áp lực lãi vay ngân hàng trong bối cảnh thị trường không thuận lợi cho việc mở rộng dự án Đà Nẵng Riverside.

Ngoại thâu tóm

Tiềm lực tài chính yếu đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải thu hẹp hoạt động, bán bớt dự án. Tranh thủ cơ hội này, các nhà đầu tư nước ngoài, với thế mạnh về vốn, đã tăng cường thâu tóm những dự án giá rẻ của các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Neil MacGregor, Phó Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Bất động sản Savills Việt Nam, có một số lựa chọn cho các chủ đầu tư cần vốn để thúc đẩy việc triển khai dự án mà không cần hỗ trợ tài chính từ ngân hàng: bán lại toàn bộ dự án cho bên thứ 3, thành lập liên doanh, bán các sản phẩm nhà ở.

“Nhiều chủ đầu tư Việt Nam có lợi thế là nắm giữ các quỹ đất lớn, trong khi đây là điểm yếu của các doanh nghiệp nước ngoài đang vào Việt Nam. Như vậy, chủ đầu tư có thể bán bớt đất các dự án đang được xây dựng cho doanh nghiệp nước ngoài để thu hồi vốn, bù vào chi phí xây dựng tại các dự án khác”, ông MacGregor nói.

Thực tế cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn nước ngoài đã thâm nhập thị trường Việt Nam bằng cách mua lại dự án của doanh nghiệp trong nước.

Chỉ trong tháng 5.2011, tập đoàn Singapore này đã công bố thành lập 2 liên doanh với các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, ngày 10.5, CapitaLand đã ký kết liên doanh với Khang Điền Sài Gòn (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền) để phát triển khu nhà ở gồm 974 căn hộ tại quận 2, TP.HCM. Đây là dự án đã được Khang Điền Sài Gòn triển khai từ đầu năm 2010 với tên gọi Spring Life. Dự án có tổng vốn đầu tư 70 triệu USD với tỉ lệ góp vốn của CapitaLand là 70%, Khang Điền 30%.

Tiếp đó, vào ngày 30.5, CapitaLand cũng công bố mua lại 65% cổ phần một dự án 9.000 m2 tại huyện Bình Chánh, TP.HCM của Quốc Cường Gia Lai với giá 121,2 tỉ đồng. CapitaLand dự định sẽ xây dựng khoảng 800 căn hộ ở dự án này. Theo ông Dương Trường Sơn, Trưởng Quản lý Đầu tư và Quản lý Tài sản của CapitaLand (Việt Nam), Tập đoàn cũng đang đàm phán mua lại một số dự án khác và có thể sẽ công bố việc này trong thời gian tới.

Không chỉ các thương vụ của CapitaLand, nhiều thương vụ mua toàn bộ dự án bất động sản tại Việt Nam cũng đang được xúc tiến. Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Chương Dương, một đối tác nước ngoài đang đàm phán mua lại dự án Golden Land (Thủ Đức) của doanh nghiệp này. Đây là dự án trung tâm thương mại và chung cư cao tầng được quy hoạch trên diện tích đất gần 15.000 m2, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 880 tỉ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Khang An cũng cho biết đang xúc tiến các thủ tục pháp lý để hoàn tất vụ chuyển nhượng dự án Khu Dân cư Tân Tạo A (quận Bình Tân) cho nhà đầu tư nước ngoài Dacin Holdings.

Theo tiết lộ của một nhà quản lý cấp cao chuyên tìm mua dự án của một tập đoàn bất động sản nước ngoài (không muốn nêu tên), các dự án tốt đang được nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc, tìm mua. “Thông thường việc mua bán dự án rất ít được chủ đầu tư công bố, nhưng hiện có 3 dự án bán toàn bộ được xúc tiến tại TP.HCM. Trong đó, có 2 dự án ở quận 9 và một ở quận 7”, vị này cho biết.

Thị trường thiếu vốn trầm trọng do chính sách siết chặt tín dụng, đẩy nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước vào thế khó. “Tình hình này đang tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường bất động sản sẽ chứng kiến nhiều thương vụ mua bán diễn ra trong những tháng tới”, ông MacGregor, Savills Việt Nam, dự báo.

 

Theo land.cafef.vn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 371 khách Trực tuyến