Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Làng Vân - Đà Nẵng trước ngưỡng đổi thay

PDF.InEmail

altLàng Vân, một địa danh gắn liền với số phận của hàng trăm bệnh nhân phong của thành phố Đà Nẵng sắp sửa được “xóa tên” để nhường chỗ cho một dự án du lịch tầm cỡ quốc tế đang được thành phố kêu gọi đầu tư. Một trang mới hứa hẹn tươi sáng hơn cho cuộc đời của những con người một thời bị hắt hủi, xa lánh. Tuy vậy, xen lẫn niềm vui trước ngưỡng thay đổi là những nỗi niềm lo lắng….

 


Ốc đảo Làng Vân
 
 Để đến được làng Vân, chỉ có một con đường độc đạo xuyên qua rừng, men theo con đường sắt khoảng 10km, hoặc đi thuyền mất gần 1 giờ đồng hồ, qua khá nhiều ghềnh đá nguy hiểm. Vào mùa mưa bão, gần như không có con thuyền nào dám mạo hiểm đi qua khu vực này. Với vị trí tách biệt đó, từ những năm 1960 của thế kỷ trước, Làng Vân đã trở thành nơi “trú ẩn” an toàn và yên bình cho những người bị bệnh phong, căn bệnh mà cách đây không lâu vẫn là một trong “tứ chứng nan y”.
 
 Đến thời điểm này, Làng Vân có 134 hộ với 355 nhân khẩu, trong đó vẫn còn 40 hộ bệnh nhân phong. Họ đến từ nhiều miền quê khác nhau như Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa thiên - Huế, Quảng Trị…Những số phận đau khổ ấy gặp nhau, góp gạo thổi cơm chung, trở thành vợ, thành chồng, sinh con đẻ cái; đói thì xuống biển bắt cá, lên rừng làm lúa, làm rẫy. Mọi thứ lương thực, thực phẩm ở đây đều được người dân tự sản xuất lấy, hoạ hoằn lắm họ mới phải vào bờ để mua những đồ dùng thiết yếu.
 
 Cũng không khác lắm với cha mẹ, những đứa trẻ ở làng Vân lớn lên, không biết đi đâu lại…lập gia đình với người trong làng rồi lại suốt ngày quanh quẩn chài lưới. Cũng có những người may mắn được “thoát” ra khỏi làng để vào đất liền đi học, nhưng phần lớn bỏ đi làm ăn xa không quay về nữa. Với họ, làng Vân trở thành một phần ký ức đầy mặc cảm. Cuộc sống ở làng Vân cứ xoay trong cái vòng tuần hoàn đơn điệu, lặng lẽ ấy suốt hơn 40 năm nay…
 
 “Ở đây có hàng ngàn chuyện đáng buồn, đáng sợ, nhưng sợ nhất là mỗi khi ốm đau phải vào bờ cấp cứu. Mùa nắng thì còn đi ghe, đi thuyền vào, chứ mùa mưa thì phải gánh người ốm trên võng đi bộ cả mấy tiếng đồng hồ mới tới nơi. Như cách đây một tháng, ông Trần Ngọc Lạc lên huyết áp đột ngột, mọi người phải thay nhau cáng ông theo đường bộ, may mà vào viện kịp thời”, chị Hiền, 35 tuổi, một công dân làng Vân kể.
 
 Ông Phạm Bồng, 84 tuổi, quê ở Thừa Thiên –Huế, một người dân khác ở Làng Vân nói bao năm nay, ông đau đáu mỗi một việc là làm thế nào con em của làng Vân được đi học nhiều hơn, điều kiện và cơ sở vật chất trường lớp tốt hơn. Ông nói: “Ở làng Vân chỉ có một phân hiệu trường tiểu học Hải Vân dành cho học sinh tiểu học nơi đây, nhưng do cơ sở vật chất thiếu thốn nên các cháu phải học ghép (cùng một phòng học, nhưng một bên là một nhóm lớp 1, 2 và một bên là nhóm lớp 3, 4 và 5). Giáo viên thì cũng không có tại chỗ mà phải hàng ngày cơm đùm, cơm gói từ đất liền ra. Vì vậy, sau khi học hết chương trình tiểu học, các cháu ai muốn và có điều kiện đi học tiếp phải vào đất liền ăn nhờ ở đậu. Đây cũng là khó khăn lớn nhất mà các thế hệ trẻ ở Làng Vân phải đối mặt trong nhiều năm qua…”.
 
 Băn khoăn trước ngưỡng đổi thay…
 
 Từ năm 2006, thành phố Đà Nẵng đã có chủ trương di dời những công dân Làng Vân vào đất liền. Đây là một yêu cầu cấp thiết mang tính nhân văn, nhằm giúp những người dân nơi đây có một cuộc sống hoà nhập cộng đồng, tiếp cận dễ dàng, đầy đủ hơn về mọi mặt như văn hoá, y tế, giáo dục…
 
 Mặt khác, Làng Vân Vân u buồn và nghèo khó là vậy, nhưng trong mắt những nhà hoạch định kinh tế, đó lại là một địa điểm đầy tiềm năng khai thác du lịch nhờ những bãi cát mịn màng, nước biển trong vắt, vị trí độc lập rất thích hợp cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
 
 Năm 2008, thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận cho tập đoàn Oaktree (Hoa Kỳ) khảo sát dự án với tổng số vốn đầu tư 5 tỷ USD, biến nơi đây thành khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, bến du thuyền, casino… Tuy nhiên, cho đến nay, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ do nhiều lý do khác nhau.
 
 Tháng 5.2011, thành phố đã chính thức có văn bản mời gọi đăng ký đầu tư “Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân”. Theo đó, tổng vốn đầu tư cho dự án khoảng 5 tỷ USD trên diện tích 1.565ha (gồm 600ha giao đất có thu tiền sử dụng đất, 500ha mặt nước cho thuê và 465ha đất giao quản lý không thu tiền sử dụng đất).
 
 Muốn thực hiện dự án này, chủ đầu tư dự án phải cam kết xây dựng khách sạn quy mô 1000 phòng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, cung cấp các dịch vụ vui chơi, giải trí như nhà hàng, quán bar, vũ trường, spa, nhà hát, sân golf, bến du thuyền, dịch vụ y tế, đặc biệt là khu vực trò chơi đặc biệt có thưởng dành cho người nước ngoài…

 

alt

 

 Mặc dù thông tin di dời đã được thông báo từ lâu, nhưng mới đây khi tiếp xúc với chúng tôi, những công dân Làng Vân vẫn không khỏi chộn rộn với những cảm xúc vui buồn lẫn lộn trước thời khắc rời làng vào đất liền. Hầu hết người dân ai cũng mong muốn vào đất liền để được sống tốt hơn, con cái được học hành đầy đủ hơn.
 
 Ông Phạm Bồng, người được xem là một trong những cư dân đầu tiên của làng, móm mém cười: “Nghe tin được vào đất liền rất vui vì cũng ở gần hết cuộc đời ngoài này rồi, muốn vô xem phố thị hắn ra răng”. Nhưng rồi ông lại trầm ngâm: “Nói rứa chớ đi thì cũng buồn lắm. Cái mảnh đất ni gắn bó với mình vô trong máu rồi. Quen với cái nhà, cái vườn, cái không khí yên tĩnh, mát mẻ ngoài ni rồi, không biết vô đó có chịu được cái ồn ào, chật chội trong đó không”.
 
 Anh Nguyễn Minh Hà (39 tuổi), là cư dân thế hệ thứ 2 tại Làng Vân, ba mẹ anh đều là những người bị bệnh phong lưu lạc ở Huế vào đây, thì âu lo: “Ở ngoài này, mùa nắng thì làm biển, mùa mưa thì làm rẫy, làm lúa, không giàu có chi nhưng cũng có cái ăn, cái mặc. Vô đó, tuổi lớn rồi, trình độ lại không có, chẳng biết làm chi để nuôi cả gia đình”.
 
 Hầu hết những người dân mà chúng tôi gặp trong làng đều có những trăn trở như ông Bồng và anh Hà. Họ băn khoăn sẽ không biết làm gì để tiếp tục kiếm sống; có thể thích ứng với nếp sống theo kiểu người thành thị được không. Đặc biệt, mối quan tâm lớn nhất của những người dân nơi đây là chế độ, chính sách đền bù giải toả liệu có đủ để họ yên tâm bước vào cuộc sống mới. Bên cạnh đó, họ cũng e ngại, không biết thái độ của những người trong đất liền đối với những người từ “Làng Cùi” vào sẽ như thế nào…

Theo kế hoạch của thành phố Đà Nẵng, đầu tháng 12/2011 sẽ hoàn tất công tác chuẩn bị và tiến hành di dời các hộ dân tại khu dân cư Hoà Hiệp (Kho Lào). Một số hộ gia đình không có người bị bệnh phong, hoặc các hộ thuộc thế hệ sau không bị di chứng sẽ được bố trí ở xen kẽ trong các khu dân cư khác. Riêng bệnh nhân phong sẽ được ở tại Khu điều dưỡng dành cho bệnh nhân phong. Tại buổi làm việc mới đây về việc di dời làng Vân, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội lập hồ sơ, phân loại chi tiết từng hộ gia đình để có kế hoạch cụ thể về việc chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân để họ yên tâm vào bờ.

 

Theo danang.gov.vn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 726 khách Trực tuyến