Thị trường BĐS đang được “kê toa” với kỳ vọng tìm được loại thuốc đặc trị để vượt qua cơn băng giá đang làm đau đầu cả giới đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.
Lâu nay, những cơn nóng lạnh của thị trường bất động sản thường được biết tới ở phân đoạn cuối của thị trường này, tức là giao dịch sản phẩm nhà ở, văn phòng cho thuê…
Tuy vậy, để đi đến được phân đoạn này, hoạt động xây dựng bất động sản là một ngành sản xuất với đầu vào là sản phẩm của các ngành công nghiệp khác như vật liệu xây dựng nội- ngoại thất, sắt thép... và cũng là nơi hấp thụ các sản phẩm dịch vụ thiết kế, giám sát, tư vấn xây dựng…
Như vậy, khi thị trường bất động sản đóng băng, nhiều ngành sản xuất khác cũng chịu tác động liên đới.
Đây là lý do mà Bộ Xây dựng lên tiếng đề xuất với Ngân hàng nhà nước trong khi không tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ của toàn hệ thống, ngân hàng thì phải điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản, cụ thể là đề nghị tăng tỷ trọng cho vay với lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua nhà ở...
Khó khăn là sự phân định chuẩn xác những khoản tín dụng được điều chỉnh để không phát đi những thông điệp nào đó về khả năng nới lỏng tín dụng. Bởi vào thời điểm này, nếu có bất cứ một động thái nào thiếu kiên quyết với mục tiêu kiểm soát lạm phát, hoặc có sự chệch hướng trong lưu thông của dòng tiền, hậu quả sẽ rất khó lường.
Trong lúc này, nhiều người cũng nhắc tới cơ hội lập lại trật tự của thị trường bất động sản với các thương vụ mua bán, sáp nhập. Trong cuộc chơi này, ưu thế sẽ nghiêng về những doanh nghiệp có nguồn lực dự trữ dồi dào, tiềm lực lớn, các doanh nghiệp “làm thật, ăn thật”...
Song cũng không thể không lo ngại tới khả năng bị thâu tóm với giá rẻ các dự án bất động sản vào tay một số nhà đầu tư lớn, tăng cao khả năng lũng đoạn thị trường...
Thị trường bất động sản đang đứng trước một thử thách lớn trong quá trình phát triển. Chắc chắn sẽ có một số doanh nghiệp phải dừng bước để nhường chỗ cho những doanh nghiệp làm ăn bài bản hơn, có tiềm lực tài chính vững vàng hơn và đó là sự “thay máu” cần thiết.
Song, đây là lúc thị trường cần nhận được thông điệp thực sự rõ ràng với những định hướng cụ thể từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Theo land.cafef.vn