Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Không nên cứng nhắc"siết" vốn BĐS

PDF.InEmail

alt(Nguoiduatin.vn) - Có những dự án, công trình không hoàn toàn là phi sản xuất nên việc siết cho vay đồng loạt với khu vực này sẽ gây nhiều tổn thất cho DN, thiệt hại cho các ngành sản xuất trực tiếp, kéo theo sự bất ổn...


Đề nghị "siết" có chọn lọc


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích: “Ví dụ như việc cho vay để phát triển các khu công nghiệp, để tạo lập nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị đang rất cần được khuyến khích. Cho vay để xây dựng cơ quan, văn phòng, chợ búa, trung tâm thương mại hay cho vay cá nhân để xây dựng và sửa chữa nhà ở... cũng rất cần thiết để phục vụ đời sống và an sinh xã hội".

 

Cũng theo ông Nam, đối với các khoản vay lớn khác như vay phục vụ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng hay để nộp tiền đất thì rất cần phải siết lại vì hiện quỹ đất trống vẫn còn nhiều, chưa cần thiết mở rộng thêm, tình trạng bỏ hoang hóa, lãng phí đất đai vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

 

Tiền đền bù để giải phóng mặt bằng lại đổ vào dân, không phục vụ sản xuất, không thúc đẩy tiêu dùng nguyên vật liệu...

 

Muốn  thị trường tiếp tục phát triển ổn định và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực kinh tế khác cùng tăng trưởng, ông Nam cho rằng, trước mắt, nên duy trì việc cho vay, với lãi suất ổn dịnh đối với một số DN, dự án, công trình theo các tiêu chí định sẵn.

 

Ví dụ, các dự án đạt tỷ lệ hoàn thành từ 75 đến 80%. Các dự án có quy mô nhỏ, vừa với mức giá thấp và dễ dàng tiêu thụ. Hay các doanh nghiệp có uy tín, có tỷ lệ nợ xấu thấp và sản phẩm có tính thanh khoản cao trên thị trường...

 

Thêm nữa, cần tăng cường cho vay ở đầu cầu tức là phía người tiêu dùng có nhu cầu thực sự. Đây cũng là hình thức đảo nợ. Vì tăng dư nợ cho vay tiêu dùng sẽ khiến DN nhanh thu hồi vốn để có tiền tiếp tục trả nợ ngân hàng.

 

Ông Lê Văn Cư, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng: “Xu hướng siết chặt cho vay, không cho vay tràn lan là đúng, để giảm tỷ lệ nợ xấu cho hệ thống ngân hàng. Đề nghị của Bộ Xây dựng không có nghĩa là nới rộng cho vay, mà là xây dựng tiêu chí cho vay. Ngân hàng sẽ xây dựng nhưng Bộ Xây dựng sẽ góp ý".

 

"Ví dụ lựa chọn các dự án BĐS sắp hoàn thành, sản phẩm có khả năng bán được thì Ngân hàng vẫn nên tiếp tục cho vay. Hiện nay Bộ Xây dựng mới đang bàn, báo cáo này phải sang tuần mới được đưa ra” - Ông Cư nói.

 

Mong lộ trình chính sách minh bạch


Ông Nguyễn Mạnh Huy, Trợ lý của Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường cho biết: “Để kích cầu thị trường BĐS,  thì việc xem xét cho vay có chọn lọc đối với một số dự án, một số đối tượng, duy trì một mức lãi suất ổn định (tránh tình trạng lãi suất đi đêm như hiện nay) sẽ có tác động đáng kể”.

 

Ông Huy cho biết, lãi suất thực tế hiện nay không phải là xoay quanh 20% nữa mà thậm chí đến 30%. Lãi suất cao, người dân sẽ có sự so sánh, thiên về lựa chọn kênh đầu tư khác mà không phải là BĐS. Phát triển thị trường BĐS thì ngoài chính sách về tín dụng, thì phải quan tâm đến việc bình ổn giá.

 

Thị trường BĐS ở Việt Nam có những đặc trưng mà không thể giải quyết được bằng các lý thuyết trên thế giới. Đó là tâm lý ảnh hưởng bởi đám đông.

 

Chính vì vậy khi có biến động ở một kênh đầu tư, một chính sách thì sẽ tác động ngay đến thị trường BĐS. Có những chính sách mới đang rục rịch, chưa đến mức làm thay đổi nhưng do tâm lý mà người ta cứ thổi lên.

 

Ví dụ thời gian gần đây, chính sách về chung cư có thời hạn mới chỉ là dự thảo thăm dò mà đã khiến các sàn giao dịch có tâm lý lo ngại, e dè.

 

Vì vậy, ông Huy cho rằng: “Mọi chính sách liên quan đến BĐS nên đưa ra có lộ trình, đừng đột ngột quá. Thời gian vừa rồi, dồn dập nhiều chính sách trong vòng hơn 1 năm qua, áp lực cả đầu vào và đầu ra. Từ Nghị định 69, đến 71 sau đó đến sở hữu nhà có thời hạn, chính sách nhà thu nhập thấp và một chính sách mạnh nhất và vô cùng tế nhị đó là Quy hoạch vùng Thủ đô.  Người dân cũng như DN cần những chính sách minh bạch rõ ràng”.

 

Ông Vũ Hoàng Linh, Tổng Giám đốc Cty CP đầu tư địa ốc Đông Dương cho rằng: “Đánh đồng kinh doanh BĐS là phi sản xuất là hoàn toàn không đúng (phải xây dựng, tiêu thụ nguyên vật liệu), chỉ có môi giới bất động sản mới là phi sản xuất”.

 

Cùng quan điểm với ông Huy, ông Linh cho rằng, siết chặt là đúng, vì nhiều người không có vốn vẫn làm bừa nhưng chính sách gì cũng phải có phân loại, có lộ trình. Nhiều công trình đang làm dở, không xoay xở được vốn từ ngân hàng, DN phải vay nặng lãi từ bên ngoài tạo ra rất nhiều áp lực.

 

Có DN do thiếu vốn, phải chuyển nhượng dự án (thậm chí bán dự án cho nước ngoài) hoặc liên kết với DN khác. Nếu chuyển nhượng cho các DN nước ngoài sẽ dẫn đến việc nguyên liệu cũng được nhập từ nước ngoài, ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành sản xuất khác trong nước.

 

"Vì vậy, việc giải quyết chính sách phải linh hoạt không nên cứng nhắc", ông Linh chia sẻ. 

 

Liên quan đến các dự BĐS cao cấp, xa xỉ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: "Tuyệt đối không cho vay đối với các dự án này, vì  không cần thiết tại thời điểm hiện nay. Điều này tránh tình trạng DN vay tiền để đền bù, giải phóng mặt bằng, vừa nhằm chiếm đất để dành, vừa đầu cơ chờ tăng giá... Những thứ ấy, không tạo thêm giá trị gia tăng, không thúc đẩy việc tiêu thụ các loại nguyên vật liệu hay sử dụng lao động...".

 

Theo Người đưa tin


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 445 khách Trực tuyến