Chất lượng xây dựng công trình giao thông là vấn đề "nóng" luôn thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Bộ GT-VT xác định năm 2011 là năm chất lượng công trình toàn ngành.
Không ít hội nghị đã được tổ chức để xác định nguyên nhân, tìm giải pháp nâng cao chất lượng thi công. Mới đây, Bộ GT-VT đã tổ chức hội nghị chuyên đề về tư vấn, giám sát, một trong những khâu quan trọng trong xây dựng công trình.
Lực lượng giám sát: Đông nhưng vẫn yếu
Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT-Bộ GT-VT), việc hàng loạt công trình giao thông lớn đã được đưa vào khai thác trong thời gian qua cho thấy đội ngũ CBCNV ngành cầu đường đã làm chủ nhiều công nghệ xây dựng cơ bản hiện đại. Lực lượng tư vấn, giám sát đã thực hiện tốt nhiệm vụ ở nhiều dự án. Nhiều dự án lớn, quan trọng do người Việt tự thiết kế, thi công bảo đảm chất lượng như: cầu Rạch Miễu, Pá Uôn, Vĩnh Tuy...
Tuy nhiên, ở một số hạng mục công trình, kể cả công trình lớn xuất hiện hư hỏng ngay khi vừa hoàn thành đã được Bộ GTVT "bêu" tại hội nghị chất lượng công trình đầu năm nay là: Quốc lộ 91 (Cần Thơ), quốc lộ 53 (Vĩnh Long), quốc lộ 48 (Nghệ An), một số đoạn trên quốc lộ 1A, quốc lộ 27B, tuyến tránh Phú Yên... Tại Hà Nội, hai dự án quan trọng được đem ra mổ xẻ, rút kinh nghiệm là thảm mặt cầu Thăng Long và Đại lộ Thăng Long. Tại dự án thảm mặt cầu Thăng Long, tư vấn, giám sát chưa kịp thời phát hiện và kiểm soát được những vấn đề kỹ thuật khó nảy sinh trong quá trình thi công. Tại dự án Đại lộ Thăng Long, tư vấn giám sát chưa có biện pháp quyết liệt với nhà thầu; chất lượng tư vấn viên không đồng đều, một số chưa đáp ứng được nhiệm vụ....
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng công trình giao thông và một trong số đó là công tác tư vấn, giám sát chưa được chú trọng đúng mức. Theo Cục QLXD&CLCTGT, lực lượng tư vấn, giám sát tuy đông nhưng vẫn yếu và thiếu so với nhu cầu, đặc biệt là thiếu chuyên gia giỏi. Chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ chuyên gia tư vấn, giám sát còn bất cập, nhất là khi so với tư vấn, giám sát nước ngoài. Lực lượng này chủ yếu từ các trung tâm tư vấn, giám sát của viện, trường… Cán bộ tư vấn giám sát hầu hết làm việc theo chế độ hợp đồng thời vụ, nên việc ràng buộc trách nhiệm còn hạn chế.
Theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ, chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chất lượng thi công công trình. Tuy nhiên, hiện nay, các ban quản lý dự án không tổ chức đội ngũ giám sát, quản lý chất lượng của riêng mình mà thường đi thuê. Có những ban quản lý dự án không đủ năng lực, khi được giao dự án lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, họ đã phó mặc công tác quản lý chất lượng cho tư vấn, giám sát mà không quy định rõ trách nhiệm của đội ngũ này. Điều này đã được Bộ GTVT chỉ rõ tại hội nghị chuyên đề về chất lượng công trình giao thông diễn ra vào tháng 2 năm nay. Do "giao khoán" trách nhiệm nên chất lượng "có vấn đề" là điều dễ hiểu. Thực tế rất nhiều khâu trong quá trình xây dựng, từ thiết kế, thi công, giám sát đến nghiệm thu không tuân thủ đúng quy định chuyên ngành dẫn đến tình trạng tại khu vực đầu cầu, cống, mặt đường xuống cấp nhanh, chưa kể đến tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thi công.
Đòi hỏi chuyên nghiệp hóa
Để bảo đảm chất lượng công trình, một trong những đòi hỏi quan trọng là chuyên nghiệp hóa từ quản lý dự án đến tư vấn, giám sát… Đây là không phải vấn đề mới, nhưng chưa được thực hiện triệt để. Trong bối cảnh đang dần hoàn thiện mô hình chuyên nghiệp, việc thuê tư vấn, giám sát là chuyện bình thường, nhưng quan trọng là phải xác định vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể tham gia dự án. Có "trói buộc" chặt chẽ trách nhiệm mới hạn chế được các vấn đề phát sinh. Việc hoàn thiện khung chính sách, tăng cường thể chế quản lý theo hướng minh bạch, thống nhất, chịu trách nhiệm là cần thiết để nâng cao chất lượng từng công đoạn, trong đó có tư vấn, giám sát.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, tư vấn, giám sát là một mắt xích có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công trình. Do vậy, phải có đội ngũ tư vấn, Giám sát thật sự chuyên nghiệp. Để làm được điều đó, cần phải đánh giá toàn diện lực lượng hiện tại để đưa ra được giải pháp thích hợp.
Cục QLXD&CLCTGT đề nghị cần sớm xây dựng, ban hành tiêu chí phân loại các tổ chức tư vấn, giám sát để đánh giá ngay ở bước sơ bộ lựa chọn nhà thầu tư vấn, giám sát. Ngoài ra, phải xây dựng mô hình tổ chức hoạt động tư vấn, giám sát chuẩn để áp dụng trong toàn ngành. Bên cạnh đó, cần đánh giá chính xác năng lực của chủ đầu tư để giao cho quản lý những dự án phù hợp…
Nói thì dễ, nhưng để chuyên nghiệp hóa trở thành hiện thực là cả một quá trình, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng. Trước mắt cần công khai, minh bạch dự án, hạn chế việc giải quyết nội bộ giữa các chủ thể tham gia dự án. Nếu làm được như vậy, sẽ hạn chế một phần tình trạng "mẹ hát, con khen", lấp liếm sự cố, đặc biệt là tại các dự án ở vùng sâu, vùng xa.
Theo Land.cafef.vn