Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Chủ tịch UBND thành phố trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo Tuổi trẻ

PDF.InEmail

Sau khi báo Tuổi trẻ đăng 02 bài báo “Bán rẻ đất vàng” và “Mua đất vàng với giá hời” đề cập đến việc giao quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Công văn số 3413/UBND-KTTH ngày 13/6/2011 về việc phản hồi thông tin các vấn đề có liên quan đến nội dung 02 bài báo “Bán rẻ đất vàng” và “Mua đất vàng với giá hời” mà Báo tuổi trẻ đã đăng vào ngày 06, 07/6/2011 gửi đến Tổng biên tập Báo tuổi trẻ để cung cấp thêm thông tin vấn đề. Đến nay, Báo Tuổi trẻ có gửi câu hỏi phỏng vấn đến Chủ tịch UBND thành phố để tìm hiểu thêm thông tin liên quan các dự án mà báo đã nêu. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trả lời báo Tuổi trẻ như sau:

1. Với dự án SVĐ Chi Lăng mà TP bán cho  Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh: tại công văn (số 3413) trả lời TBT Tuổi Trẻ, ông đã khẳng định là dự án này được kêu gọi công khai, được đăng trên 2 tờ báo trong thời gian từ 22-9 và đến ngày 6-10 UBND thành phố có quyết định giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh. Tuy nhiên hiện chúng tôi đang có trong tay công văn do chính ông ký ngày 14-8-2010 với nội dung “Thống nhất về mặt chủ trương theo đề nghị của công ty Thiên Thanh ( công văn số 74 ngày 26-7-2010 của Thiên Thanh về việc đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu phức hợp Chi Lăng) về việc đầu tư dự án SVĐ Chi Lăng trên diện tích khoảng 6ha”. Như vậy rõ ràng TP đã đồng ý chủ trương cho Thiên thanh được phép đầu tư vào dự án này trước khi kêu gọi đầu tư. Ông có thể cho biết đâu là sự thật ?

Trả lời: Ngày 26/7/2010, Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh đã có Công văn số 74 CV/CVĐ0TT/07.2010 gửi UBND thành phố Đà Nẵng xin chủ trương lập dự án đầu tư khu phức hợp thương mại, dịch vụ tại Khu đất SVĐ Chi Lăng. Xét đề xuất của công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh xây dựng khu phức hợp, thương mại là phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển của thành phố, nên tại cuộc họp giao ban vào ngày 09/8/2010, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố đã thống nhất về mặt chủ trương cho đơn vị nghiên cứu dự án đầu tư Khu phức hợp thương mại dịch vụ; đồng thời, giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc UBND thành phố tiến hành các bước có liên quan trình UBND thành phố xem xét, quyết định việc kêu gọi đầu tư (Công văn số 4889/UBND-QLĐTh ngày 10/8/2010). Như vậy, tại Công văn này, UBND thành phố chỉ xem xét, đồng ý về mặt chủ trương nghiên cứu dự án đầu tư Khu phức hợp thương mại dịch vụ tại khu đất này, hoàn toàn chưa có nội dung đồng ý cho Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh được nhận quyền sử dụng đất để đầu tư vào khu đất này.
Đến ngày 17/9/2010, UBND thành phố đã có Quyết định 7104/QĐ-UBND Quy định giá đất  kêu gọi đầu tư vào dự án, Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng đã đăng công khai trên Báo Công an Đà Nẵng 3 kỳ liên tục (từ ngày 22.9.2010) và Báo Người Lao Động 3 kỳ liên tục (từ ngày 23.9.2010). Đến ngày 6.10.2010 chỉ có một đơn vị duy nhất là Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư, không có đơn vị thứ hai. Do đó UBND thành phố và các đơn vị liên quan đã tiến hành các thủ tục đồng ý cho đơn vị này đầu tư theo đúng các tiêu chí quy định đưa ra với dự án này. 

Việc làm này đảm bảo cho sự công bằng, không phải ai đến trước thì được, cho dù Công ty tập đoàn Thiên Thanh có gửi Công văn và nghiên cứu dự án  trước đi nữa cũng phải tham gia đăng ký đầu tư tại Công ty Quản lý và khai thác đất Đà Nẵng như những đơn vị khác, nếu có hai đơn vị đăng ký trở lên thì cũng phải tham gia đấu giá theo quy định. Sự thật là như vậy, đúng với trình tự qui định kêu gọi đầu tư, không có gì mâu thuẩn cả.

Theo quan điểm của một số bạn đọc Báo Tuổi trẻ với giá 25,3 tr.đồng/m2 là rẻ, nhưng theo chúng tôi giá như vậy không rẻ chút nào, nếu tính ngoài tiền chuyển quyền sử dụng đất 1.300 tỉ đồng (đã chuyển nộp vào ngân sách), nhà đầu tư còn phải bỏ ra thêm ít nhất 15.000 tỉ đồng nữa để đầu tư dự án theo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc của UBND thành phố (Xây dựng khu trung tâm thương mại cao ốc, văn phòng…với mật độ xây dựng tối đa 60%; tầng cao xây dựng khối cao nhất là 60 tầng; giới hạn 3-4 tầng hầm đậu đỗ xe…), với thời gian xây dựng từ 5 đến 7 năm mới có thể hoàn thành đưa vào khai thác. Chỉ tính khoản vay trả lãi cho ngân hàng thì cũng có thể thấy được nhà đầu tư phải tâm huyết mới dám đầu tư vào dự án khá mạo hiểm này. Hiện nay, nhà đầu tư đang có ý định rút khỏi dự án này, nếu trường hợp đó xảy ra thì trong thời gian 60 ngày Báo Tuổi trẻ có thể giúp thành phố tìm chọn nhà đầu tư khác cũng với mức giá nêu trên được hay không? Đề nghị báo Tuổi trẻ cho biết ý kiến sớm.

2. Đối với dự án 209 Trường Chinh: TP lấy cơ sở nào để đưa ra mức giá 40 tỷ đồng để rồi trên cơ sở đó Tập đoàn Thiên Thanh đã chuyển 40 tỷ đồng vào ngân sách TP trước khi số tiền này được chuyển cho Quỹ BV Ung thư?

Trả lời: Xin được nói lại, đây không phải là khu đất vàng như báo đã nêu, khu đất thuộc đường bao Quốc lộ 1A, một bên là đường sắt, khu vực này không kinh doanh mua bán sầm uất. Nếu tính theo giá sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (bao gồm tính phân vệt, hệ số thị trường, mật độ xây dựng) thì toàn bộ khu đất này có giá trị khoảng 70 tỷ đồng, đây là đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để xây dựng Siêu thị kinh doanh vật liệu xây dựng, không phải để phân lô bán nền và mật độ xây dựng của dự án dự kiến là 60%. Trên cơ sở tiền sử dụng đất nêu trên, thành phố hỗ trợ cho Quân khu 5: 30 tỷ đồng, còn 40 tỷ đồng chuyển vào ngân sách thành phố để hỗ trợ xây dựng Bệnh viện Ung thư. Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng là Bệnh viện phi lợi nhuận, phục vụ cả khu vực Miền Trung chứ không riêng gì Đà Nẵng. Nguồn vốn đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung thư, ngoài nguồn vốn xã hội hoá, còn có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, địa phương, trong Hội đồng quản lý vốn của Bệnh viên ung thư có đại diện của UBND thành phố là Sở Tài chính tham gia.

3. Cả 2 dự án 209 Trường Chinh và dự án công ty Bắc Nam 79: Ông cho biết, hai dự án này UBND TP Đà Nẵng giao theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Tuy nhiên theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ thì đây là các doanh nghiệp kinh tế. Với tư cách là Chủ tịch TP, đơn vị quản lý nhà nước về đất đai mà Chính phủ giao phó, ông có nghĩ rằng việc giao đất như vậy là trái luật?

Trả lời: Đối với những khu đất không có vị trí đắc địa, không sinh lợi nhiều, không có môi trường kinh doanh thuận lợi, thì sau khi có ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, UBND thành phố giao cho Hội đồng thẩm định giá đất thành phố xác định giá đất trình UBND thành phố. UBND thành phố quyết định giá hợp lý để giao cho đơn vị đó. Trong quy định chung của Chính phủ không phải khu đất nào cũng phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, hơn nữa đây là những đơn vị có tham gia thực hiện một phần nhiệm vụ Quốc phòng và An ninh.

4. Đối với dự án Khu nhà vườn, biệt thự 71.000m2  tại đông nam Đài tưởng niệm bán cho Nam Việt Á: Theo lời ông Nguyễn Văn Cán – nguời phát ngôn của UBND TP Đà Nẵng thì đơn vị đầu từ hạ tầng bên trong dự án này là Công ty Nam Việt Á. Trong khi chủ đầu tư Nam Việt Á lại cho rằng đó là trách nhiệm của TP. Vậy  ai sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng?

Liên quan đến dự án Khu nhà vườn, biệt thự 71.000m2 đông nam Đài tưởng niệm bán cho Nam Việt Á: Hiện chúng tôi có 2 công văn  gồm Công văn UBND TP Đà Nẵng số 5310 v/v Đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật khu công viên Đông Nam Đài tưởng niệm phần hạ tầng kỹ thuật khu biệt thự nhà vườn do đích thân ông ký ngày 27-8-2010. Tiếp đó ngày 22-9-2010, TP lại có Công văn UB số 5883 V/v Bổ sung Khu biệt thự nhà vườn vào dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu Công viên Đông Nam Đài tưởng niệm. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

Trả lời: Đối với dự án Khu biệt thự phía Bắc Công viên Đông Nam Đài tưởng niệm, UBND thành phố cũng thực hiện kêu gọi đầu tư theo quy định vào khu đất có tổng diện tích 71.463 m2 với đơn giá 07 tr.đồng/m2, khi đơn vị đầu tư chấp nhận tham gia đầu tư vào dự án, thì UBND thành phố chỉ đạo công ty QLKT đất ký hợp đồng với diện tích 44.428 m2. Vì còn 02 Công viên và một tuyến đường bao lớn (bao gồm lòng đường và vĩa hè), thành phố vẫn quản lý, nếu giao toàn bộ diện tích này cho nhà đầu tư thì thành phố sẽ thu thêm được một khoản tiền nữa, nhưng nhà đầu tư sẽ quản lý sử dụng riêng toàn bộ hệ thống  đường bao và 02 Công viên. Đây là phần dùng chung, nên vấn đề này thành phố đang xem xét, cân nhắc.
Ở đây cần phân biệt 02 loại hạ tầng kỹ thuật:
Loại hạ tầng kỹ thuật dùng chung cho khu vực như đường bao, cống thoát nước... UBND thành phố đã có chủ trương bổ sung vào dự án Khu công viên Đông Nam Đài tưởng niệm và được đầu tư từ nguồn vốn Ngân sách thành phố. Hạng mục này đã được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy định để lựa chọn nhà thầu thi công (Quyết định số 987/QĐ-UBND ngày 27/01/2011), thành phố chịu trách nhiệm đầu tư.
Loại hạ tầng kỹ thuật trong nội bộ khu dự án cũng gồm các hạng mục giao thông, điện, cấp nước, thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc... thì do nhà đầu tư chịu trách nhiệu đầu tư theo đúng với đồ án qui hoạch được duyệt.
Việc phân loại này cho thấy rõ ràng trên nguyên tắc cái nào dùng chung thì thành phố thực hiện, cái nào của riêng dự án thì nhà đầu tư thực hiện.

6. Từ 2007 đến nay, Đà Nẵng được xem là vùng đất hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư về đây, vì thế giá đất liên tục tăng một cách đột biến. Trong khi đó, bảng giá đất ban hành hàng năm của TP vẫn giữ nguyên. Ông có thể cho biết tại sao không có sự thay đổi về giá đất?

Trả lời: Tại Khoản 3, Điều 56 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Căn cứ vào nguyên tắc định giá đất quy định tại khoản 1 Điều này, phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất do Chính phủ quy định, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng giá đất cụ thể tại địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp cho ý kiến trước khi quyết định”.
Thực hiện quy định trên, Uỷ ban nhân dân thành phố đã căn cứ Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004, Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2007, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009; Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2007 và tình hình giá chuyển quyền sử dụng đất thực tế phổ biến trên thị trường thành phố, tình hình thực hiện giải toả đền bù và tái định cư các dự án phát triển đô thị của thành phố để xây dựng phương án giá đất.
Hoàn toàn không có chuyện giữ nguyên giá đất, UBND thành phố xây dựng phương án giá đất hàng năm có nơi tăng, có nơi giảm, có nơi ổn định và trình Hội đồng nhân dân thành phố phê chuẩn khung giá đất hàng năm là phù hợp với biến động thị trường bất động sản và phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

7. Tại sao có những doanh nghiệp được ưu ái được TP giao nhiều dự án khai thác đất nhưng khó có khả năng xây dựng công trình trên đó. Sau đó có tình trạng mua đi bán lại, phân lô bán nền đất gây ra cơn sốt giá đất ảo. Cụ thể như các dự án Golden Hill, Phương Trang, Tuyên Sơn (Nam Việt Á),..với hàng nghìn lô đất nền được rao bán mà chưa xây dựng hạ tầng nhưng TP vẫn không có giải pháp quản lý và xử lý tình trạng này?

Trả lời: Việc thành phố giao cho một số doanh nghiệp để thực hiện các dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị (dự án Golden Hill, Phương Trang, Tuyên Sơn…) là phù hợp với chiến lược quy hoạch phát triển lâu dài bền vững của thành phố theo tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-BCT của Bộ chính trị. Theo đó, thành phố chủ động quy hoạch mở rộng, phát triển về các hướng Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam… để phát triển các khu đô thi vệ tinh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực trên địa bàn thành phố.

Để đầu tư vào các khu đất này, các doanh nghiệp cần phải bỏ ra một số vốn lớn để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong thời gian qua tình hình kinh tế khó khăn, hệ thống ngân hàng thắt chặt việc cho vay. Vì vậy, các nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng kêu gọi góp vốn thành nhiều đợt để huy động vốn nhàn rỗi trong dân cùng tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng tại dự án của họ. Việc huy động vốn này phù hợp tình hình thực tế và được pháp luật cho phép.

8. Việc TP Đà Nẵng áp dụng phương thức xác định giá đất kêu gọi đầu tư mà không tổ chức đấu giá dự án là trái với các quy định trung ương. Ông cho biết về nhận định này? Theo ông, TP Đà Nẵng đã áp dụng phương thức xác định giá đất và kêu gọi đầu tư dựa trên Luật, nghị định, thông tư nào của nhà nước ?

Trả lời: Tôi xin nói lại một lần nữa cho rõ trình tự:
Bước thứ nhất: Xác định mục đích sử dụng đất, các chỉ tiêu qui hoạch kiến trúc, giá đất;
Bước thứ hai: Đăng báo công khai để kêu  gọi đầu tư;
Bước thứ ba: Có nhiều nhà đầu tư đăng ký thì tổ chức đấu giá, nếu chỉ có một nhà đầu tư thì thành phố sẽ cân nhắc, nếu nhà đầu tư có đủ khả năng thực hiện thì giao cho nhà đầu tư đó. Vì vậy, không thể nói thành phố chỉ kêu gọi đầu tư mà không đấu giá quyền sử dụng đất là không đúng. Tại Khoản 5, Điều 2 của Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về “sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai” quy định rõ “…trường hợp chỉ có một nhà đầu tư lập dự án xin giao hoặc thuê một diện tích đất cụ thể để thực hiện dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch” thì “không đấu giá quyền sử dụng đất”. 

9. Chúng tôi nhận được thông tin rằng, Hội đồng thẩm định giá đất TP tiến hành xác định giá đất trong một số dự án không được khách quan, vô tư mà đã được nhận sự chỉ đạo của UBND TP. Họ chỉ chấp hành nên giá đất không được phản ánh thực tế. Ý kiến của ông như thế nào về nhận định này?

Trả lời: Thông tin mà báo đã nhận là hoàn toàn không đúng.
Hội đồng thẩm định giá đất chỉ là một bộ phận chuyên môn được UBND thành phố thành lập để tham mưu cho UBND thành phố trong việc xác định giá thu tiền giao quyền sử dụng đất, giá thuê đất trên địa bàn thành phố. Còn việc quyết định giá đất là thẩm quyền của UBND thành phố. UBND thành phố  có quyền chỉ đạo Hội đồng thẩm định giá đất để Hội đồng thẩm định giá đất biết được khu đất đó sử dụng vào mục đích gì, các chỉ tiêu qui hoạch kiến trúc như thế nào… ; UBND thành phố không phải là cơ quan chấp hành ý kiến của Hội đồng thẩm định giá đất, có những trường hợp xét thấy phù hợp, thì tập thể UBND thành phố chấp nhận ý kiến đề xuất của Hội đồng thẩm định giá đất; có những trường hợp xét thấy không phù hợp thì tập thể lãnh đạo UBND thành phố có thể nâng lên, hoặc giảm xuống so với giá đất hội đồng đã đề xuất. UBND thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Trên đây là ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trả lời về những vấn đề mà Báo Tuổi trẻ đã quan tâm đặt câu hỏi phỏng vấn. Thành phố Đà Nẵng cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc và Báo Tuổi trẻ.

Theo danang.gov.vn


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 258 khách Trực tuyến