Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Đà Nẵng - Núi đất bao vây di tích

PDF.InEmail

altViệc đổ đất san nền dự án Khu số 4 mở rộng - Khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn với cao trình hơn 3m so với khu dân cư hiện tại gây không ít lo ngại cho việc bảo vệ toàn vẹn các di tích trong quần thể Di tích quốc gia Khu căn cứ cách mạng K20, và gây ngập úng khu dân cư còn lại.

 

Di tích bị núi đất bao vây 3 mặt

Báo Đà Nẵng vừa nhận được đơn thư của bà con tộc Nguyễn Văn ở khối phố Đa Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn phản ánh, nhà thờ tộc Nguyễn Văn nằm trong quần thể Di tích Khu căn cứ cách mạng K20 vừa được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, bị đơn vị thi công dự án Khu số 4 mở rộng - Khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn đổ đất đá san nền xung quanh cao hơn 3m, làm nứt tường rào, ngập nước xung quanh, đe dọa sự tồn tại của di tích. Nhà thờ tộc Nguyễn Văn từ năm 1945-1952, chính quyền cách mạng dùng làm nơi dạy học và giáo dục ý thức cách mạng cho thanh-thiếu nhi; từ năm 1960 đến 1975 là địa điểm báo tín hiệu hội họp và phân công hoạt động bí mật của lực lượng chính trị K20 và Quận ủy quận 3; có hầm bí mật cất giấu tài liệu và tập kết vũ khí…

Tìm đến nhà thờ tộc Nguyễn Văn, chúng tôi sững sờ nhìn thấy di tích nằm lọt thỏm giữa núi đất cao hơn 3m đang bao vây 3 mặt. Việc hút cát dưới sông Cái lên để san lấp và tiếp tục đổ đất khiến nước tràn lên và cả nước mưa không thoát được đang ngập xung quanh di tích. Mở nắp căn hầm bí mật nằm dưới khóm tre vàng lên cũng thấy ngập đầy nước bên trong…

Còn theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (Báo cáo số 1415, ngày 6-6-2011), cho đến nay, tộc Nguyễn Văn, chính quyền phường Khuê Mỹ và Sở không biết việc di tích nhà thờ tộc Nguyễn Văn có nằm trong diện quy hoạch thuộc dự án nói trên hay không. Trong khi đó, đại diện nhà thờ tộc Nguyễn Văn đã nhận được Thông báo số 283 ngày 17-5-2011 của Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 về việc đo đạc, kiểm định, lập hồ sơ đền bù giải tỏa đối với di tích này. Sở cũng kiến nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tạm ngừng tất cả các hoạt động có ảnh hưởng tới di tích; thực hiện các giải pháp nhằm tránh ngập úng cho di tích trong mùa mưa bão sắp đến; tổ chức cuộc họp gồm đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan để có phương án giải quyết tối ưu đối với di tích và tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố xem xét, quyết định... Bà con tộc Nguyễn Văn - Đa Mặn vừa tổ chức họp và kiến nghị: “Nếu thành phố thu hồi đất, bà con chấp hành. Song, di tích nhà thờ tộc Nguyễn Văn - Đa Mặn được cha ông chúng tôi chọn địa thế, hướng và xây dựng đã 500 năm nay, xin thành phố bố trí lại vị trí này và kinh phí để bà con xây dựng nhà thờ”.

Bảo tồn, tôn tạo di tích, xây dựng làng văn hóa


alt

Do hút cát từ sông Cái và đổ đất san nền, nước tràn lên ngập xung quanh di tích và bên trong căn hầm bí mật một thời nuôi giấu cán bộ, cất giấu tài liệu, vũ khí.


Con đường bê-tông dẫn vào làng K20 - tổ 9A, phường Khuê Mỹ trước đây đi giữa cánh đồng Đa Mặn, nay đi giữa 2 núi đất cao hàng mét. Làng K20 từ năm 1964 đến Đại thắng mùa xuân 1975 là một căn cứ “lõm” độc đáo giữa lòng địch, bất khuất tồn tại, đối đầu với một căn cứ liên hợp quân sự khổng lồ của Mỹ-ngụy. Ngày 6-9-2010, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch có quyết định xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia cho Khu căn cứ cách mạng K20. Nhưng nay khách vào làng không khỏi chạnh lòng khi nhìn thấy trước mặt làng đang ngập đầy cát và nước sông Cái hút lên san lấp, và còn tiếp tục đổ đất san lấp cao thêm nữa. Làng và những di tích như: nhà ông Huỳnh Phiên, nhà ông Huỳnh Trưng, nhà thờ tộc Huỳnh, nhà thờ Bà Nhiêu… cùng những căn hầm bí mật độc đáo dưới lòng đất sẽ giải tỏa, song không ít nỗi lo bị ngập úng vào mùa mưa lũ bởi khu đô thị mới ở trước mặt có cao trình nền cao hơn 3m.

Theo ông Lê Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ, Dự án mở rộng ranh giới về phía Đông thuộc khu B số 4 mở rộng giai đoạn 2 - Khu đô thị mới Nam cầu Tuyên Sơn có diện tích đất thu hồi 33.347m2, chủ yếu là đất ruộng, hoa màu và ven sông Cái. Đến nay đã chi trả xong tiền đền bù đất ruộng, hoa màu, hiện đơn vị thi công đang đổ đất san nền lên trên đó. Có khoảng 20 nhà dân phải giải tỏa, đang tiến hành kiểm định…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 24-5-2011, UBND thành phố ban hành Công văn số 2291 đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng công trình Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử Làng văn hóa K20. Theo đó, sẽ bảo tồn, tôn tạo 3 nhà và hầm bí mật tiêu biểu, tôn tạo khuôn viên xung quanh các di tích được lựa chọn; xây dựng mới các hạng mục nhằm tôn tạo phát huy giá trị di tích gồm: cổng làng, nhà truyền thống, đài tưởng niệm, miếu tráng sĩ; cải tạo, sửa chữa một số ngôi nhà; xây dựng bãi đỗ xe, hồ điều tiết, san nền, hệ thống đường giao thông, hệ thống cấp điện chiếu sáng, cấp thoát nước, cây xanh..., với tổng mức đầu tư 32,755 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2011 đến 2013. Cách đây ít ngày, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã tổ chức họp dân công bố quy hoạch, chuẩn bị thực hiện giải tỏa, di dời một số hộ dân ở khu vực theo chủ trương của thành phố tại Thông báo số 120 ngày 30-8-2010, tiếp đến là tập trung xây dựng tuyến giao thông chính vào khu di tích và san nền.

Thiết nghĩ, nhằm bảo tồn kiến trúc, giá trị của các di tích Khu căn cứ cách mạng K20, nhất là các căn hầm bí mật, các đơn vị chức năng cũng cần sớm có giải pháp thoát nước, chống ngập úng tạm thời và lâu dài cho các di tích.

Theo Hoàng Hiệp Báo Đà Nẵng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 106 khách Trực tuyến