Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Mô hình thị trưởng của Đà Nẵng - Hy vọng và lực cản

PDF.InEmail

altDưới các tên gọi khác nhau, mô hình mà Đà Nẵng đề xuất, chính là mô hình thị trưởng mà hầu hết các quốc gia phát triển và có nền hành chính hiện đại đều áp dụng.


=> Bộ tư pháp đánh giá cao mô hình "Thị trưởng Đà Nẵng"

 

Ngọn đuốc hy vọng


Trong gần hai thập niên gần đây, Đà Nẵng luôn nức tiếng toàn quốc về cải cách hành chính, thu hút đầu tư, an ninh trật tự; Đà Nẵng trở thành hình mẫu cho các đoàn công tác của các tỉnh thành khác đến tham quan, học tập. Sự thành công lớn đến mức, chính quyền TW đôi lúc coi những bước "xé rào hợp lý" của Đà Nẵng như là một thí điểm khai phá cho đất nước.

 

Sự thành công của Đà Nẵng gắn liền với tài năng và bản tính quyết liệt của các lãnh đạo Đà Nẵng, trong đó có ông Nguyễn Bá Thanh. Chưa hài lòng với những thành công bước đầu, ông Nguyễn Bá Thanh muốn bảo đảm sự thịnh vượng dài lâu cho thành phố Đà Nẵng kể cả khi thế hệ lãnh đạo như ông đã về hưu, ông muốn đặt nền móng dân chủ cho cơ chế lựa chọn lãnh đạo của thành phố Đà Nẵng trong tương lai, ngày 24/11/2008, ông Nguyễn Bá Thanh cùng Thường trực Thành ủy Đà Nẵng họp thống nhất đề án bầu trực tiếp Chủ tịch thành phố đệ trình lên Quốc hội và Chính phủ.

 

alt

 

Nhân dân Đà Nẵng khấp khởi ngóng chờ. Họ khấp khởi được trực tiếp tuyển lựa "công bộc của nhân dân từ thị trường tự do cạnh tranh. Họ khấp khởi được trực tiếp lựa chọn không chỉ người đứng đầu thành phố mà cả chương trình tranh cử, chương trình hành động, chính sách của từng ứng viên hay nói cách khác họ được lựa chọn theo phương thức "cả gói" (nhân sự và chính sách) từ một thực đơn đa dạng. Họ khấp khởi được chứng kiến cuộc đua tài với vô vàn sáng kiến của các ứng viên. Họ khấp khởi được chứng kiến một cuộc bầu cử dân chủ, công khai, minh bạch. Đà Nẵng đã thắp lên ngọn đuốc hy vọng. Tiếc thay, ước nguyện này chưa có cơ hội thành hiện thực vào năm 2008 bởi còn vướng vào nhiều văn bản pháp luật, quy định liên quan.


Kiên định theo đuổi


Không nản chí, nhân dân và những người đương nhiệm ở Đà Nẵng tiếp tục tha thiết đề nghị cho phép nhân dân Đà Nẵng trực tiếp bầu người đứng đầu Thành phố (Thị trưởng/Chủ tịch) với nhiều chi tiết mới, lập luận sắc sảo hơn so với đề xuất năm 2008. Cụ thể, ngày 24/2/2012, ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã có buổi nói chuyện được truyền hình trực tiếp với hơn 4000 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Thành phố, trong đó có ba nội dung sau:

 

+ Chức chủ tịch UBND TP do dân bầu trực tiếp qua tranh cử công khai.

+ Khi ra tranh cử, ứng viên phải nêu kế hoạch hành động để thuyết phục cử tri.

+ Chủ tịch có quyền lựa chọn các phó chủ tịch. Hay nói cách khác bầu cử theo phương thức liên danh; cử tri lựa chọn không chỉ ông chủ tịch mà cả ê-kíp của ông chủ tịch.

 

Dưới các tên gọi khác nhau, mô hình mà Đà Nẵng đề xuất, chính là mô hình thị trưởng mà hầu hết các quốc gia phát triển và có nền hành chính hiện đại đều áp dụng. Sở dĩ nó trở thành mô hình phổ biến, đại diện cho sự phát triển, vì những ưu điểm sau đây:

 

- Là hình thức bầu cử dân chủ nhất.

 

Vì không qua khâu trung gian nào, cử tri trực tiếp chọn ra "công bộc" của mình, nên "khúc xạ ý chí diễn ra ít nhất.

 

alt

 

- Sợi dây lợi ích được ràng buộc chặt chẽ nhất.

 

Cử tri lựa chọn thị trưởng (hay chủ tịch thành phố) và ê-kíp của ông ta, chính là lựa chọn "nhà cung cấp dịch vụ công" như trật tự an ninh, giao thông, y tế, giáo dục, môi trường ... với hy vọng tìm được nhà cung cấp với chất lượng cao nhất có thể và với chi phí thấp (tiền thuế thấp). Ở góc độ kinh tế, thì cử tri chính là khách hàng mua các "dịch vụ công cộng đặc biệt". Hãy để những "khách hàng đặc biệt" này trực tiếp nói lên tiếng nói của mình khi lựa chọn thị trưởng. "Tiếng nói của lợi ích là tiếng nói có độ tin cậy cao nhất". Về phía thị trưởng, khi lợi ích thắng cử và tái cử hoàn toàn phụ thuộc vào cử tri thì họ phải hết sức chiều lòng dân, cho dù có hợp với gu ông ta hay không; thị trưởng sẽ coi cử tri là ông chủ thực sự.

 

- Cạnh tranh cao nhất. Tài năng của ứng viên được thể hiện rõ nhất.

 

Cơ chế bầu trực tiếp thị trưởng thường có nhiều ứng viên. Bởi vậy, việc bầu cử thị trưởng có tính cạnh tranh rất cao, có nhiều yếu tố bất ngờ, kết quả bầu cử thường khá sát sao. Không có sự bảo trợ nào từ bên trên, các ứng viên phải tự mình trực tiếp phô diễn khả năng trước cử tri; ứng viên phải đối đáp, bảo vệ quan điểm, tính ưu việt của chương trình tranh cử trước sự tấn công của đối thủ; những bài diễn văn do thư ký chuẩn bị trước sẽ lùi xa vào dĩ vãng. Điều này, chúng ta có thể thấy rõ nhất trong các vòng debate (tranh luận giữa hai ứng viên trước kỳ bầu cử) trên truyền hình CNN.

 

Giải pháp trọn gói.

 

Khi thị trưởng được lựa chọn cấp phó của mình, thì ông ta không biết đùn đẩy, đổ lỗi cho ai nữa. Hơn nữa, để bảo đảm thắng cử thì ứng viên thị trưởng không chỉ chứng minh năng lực cá nhân của mình, mà phải chứng minh năng lực của cả ê-kíp. Nên buộc ứng viên thị trưởng phải liên kết với những người giỏi, miễn là người đó đồng ý đứng vào liên danh và ủng hộ chính sách tranh cử, mặc cho người đó có biết nịnh đầm hay không. Ngoài việc đưa ra ê-kíp thì ứng viên cũng đưa ra các chính sách, các cam kết rất cụ thể mà mình sẽ theo đuổi nếu trúng cử. Việc cử tri lựa chọn 3 trong 1 này còn được gọi là giải pháp trọn gói.

 

Mặc dầu có bốn ưu điểm vượt trội nêu trên, nhưng không phải cứ áp dụng mô hình thị trưởng là sẽ tìm ra người lãnh đạo tài năng nhất. Để thành công mô hình này đòi hỏi những điều kiện nhất định: số lượng ứng viên phải đủ nhiều và thực sự cạnh tranh; trình độ dân trí không quá thấp; pháp luật về tranh cử phải đủ chặt chẽ để hạn chế hiện tượng người đương nhiệm lạm dụng chức vụ giành những lợi thế bất bình đẳng, bảo đảm sự phân phối công bằng thời lượng truyền thông cho các ứng viên.

 

Các điều kiện đã chín muồi?


- Trước hết, nói về dân trí ở Việt Nam thừa điều kiện để bầu trực tiếp thị trưởng.

 

Thứ nhất, người Việt vốn tự hào về tính cần cù thông mình của mình. Thứ hai, các cử tri Việt Nam đã đủ trình độ sáng suốt lựa chọn ra các Đại biểu Quốc hội, Đại biểu HĐND các cấp, thì không có lý do gì họ không đủ sáng suốt chọn ra thị trưởng, là người gắn bó với thành phố. Thứ ba, so với mặt bằng chung, trình độ dân trí ở thành thị còn cao hơn một mức. Thứ tư, ở các thành phố trực thuộc TW, đặc biệt như Hà Nội thì các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đồng thời là cử tri gương mẫu. Ở đó cán bộ công chức rất nhiều. Không thể nói, dân trí ở những thành phố như vậy là thấp được.

 

- Về điều kiện truyền thông.

 

Trong thời kỳ đổi mới, truyền thông Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, đủ sức hỗ trợ cho các cuộc bầu cử trực tiếp. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong thời gian vừa qua đã chú trọng phát triển cơ sở vật chất cho truyền thông, lắng nghe và cổ vũ báo chí phát hiện những vụ việc tiêu cực - mà Tiên Lãng là một ví dụ tốt -, xem truyền thông như là một kênh phản biện xã hội. Các quy định gần đây về công khai tài sản, thu nhập của các vị lãnh đạo cũng góp phần làm cho việc bầu cử minh bạch hơn.

 

Đặc biệt với việc tiếp cận cởi mở đối với Internet từ năm 1997 và chính sách "xã hội hóa" một số hoạt động truyền hình, thì người Việt sục sạo trên internet để tự giáo dục mình, tự tìm ra sự thực, tự đúc rút ra chân lý. Và quan trọng nhất, làm quen với thông tin đa chiều, hình thành thói quen phân tích, nghe bằng cả hai tai, tự mình đánh giá và phản bác luận điệu xuyên tạc, lập luận vô lý của bất cứ ai. Hơn nữa, truyền thông trong tay Nhà nước, cùng với đầu óc phân tích của người Việt dư sức vô hiệu hóa các thông tin sai sự thực, quan điểm đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc.

Truyền hình Việt Nam đã quá quen thuộc với việc tổ chức các talk show (tọa đàm) và các buổi debate (tranh luận). Các tiền đề truyền thông cơ bản đã sẵn sàng cho việc bầu trực tiếp thị trưởng.

 

- Số lượng ứng viên đủ nhiều và mang tính cạnh tranh.

 

Đây chính là điểm yếu trong đề xuất của Đà Nẵng năm 2008. Theo đề xuất này, Thành ủy Đà Nẵng sẽ giới thiệu hai ứng cử viên, Mặt trận Tổ quốc Đà Nẵng giới thiệu một ứng cử viên vào chức danh chủ tịch. Đề xuất này đáp ứng vế thứ nhất: số lượng ứng viên đủ nhiều, nhưng không đáp ứng tiêu chí "mang tính cạnh tranh" của vế thứ hai. Vì cả ba ứng viên này đều do một "đạo diễn" chọn ra; nên rất có thể hai ứng viên chỉ đóng vai trò làm phông tô điểm cho ứng viên thứ ba. Nếu điều này diễn ra, thì mọi điều tốt đẹp của mô hình bầu cử trực tiếp thị trưởng sẽ không diễn ra như kỳ vọng của nhân dân.

Thay vì đề xuất thiếu tính cạnh tranh nêu trên, cần quy định theo hướng, "bất kỳ công dân Việt Nam nào đủ điều kiện ứng cử vào HĐND cấp tỉnh đều có quyền ứng cử thị trưởng thành phố trực thuộc TW mà không cần qua hiệp thương". Chỉ ba dòng này được chấp nhận, thì điểm yếu nói trên hoàn toàn được khắc phục.


- Về điều kiện thứ tư:

 

pháp luật về tranh cử phải đủ chặt chẽ để hạn chế hiện tượng người đương nhiệm lạm dụng chức vụ giành những lợi thế bất bình đẳng, bảo đảm sự phân phối công bằng thời lượng truyền thông cho các ứng viên. Đây cũng là một điểm yếu trong hệ thống pháp luật về bầu cử ở Việt Nam hiên nay. Tuy nhiên, với sự phát triển của internet thì khiếm khuyết này trở nên không còn quá trọng như trong thời đại chỉ có báo giấy, truyền hình và radio. Internet tự nó đã dân chủ. Khác với vai trò thụ động của độc giả trong truyền thông truyền thống, độc giả internet hoàn toàn chủ động click vào link nào, dừng lại đọc bao lâu; chính độc giả làm chủ cuộc chơi chứ không phải "nhà đài". Internet sẽ góp phần bù đắp lại công bằng, nếu báo giấy, truyền hình chưa công bằng; sẽ tập trung làm rõ những điểm bị cố tình bỏ qua trên báo giấy và truyền hình.

 

Xét về tổng thể, ở Đà Nẵng nói riêng và các thành phố trực thuộc TW nói chung, đã có đủ bốn điều kiện thực tiễn, sẵn sàng cho việc bầu cử trực tiếp thị trưởng. Tuy nhiên, với các quy định pháp luật hiện hành thì vẫn có vài vướng mắc nhỏ liên quan đến Luật bầu cử Đại biểu HĐND, Luật tổ chức HĐND và UBND và Hiến pháp 1992.

 

Vướng mắc "tuy to mà nhỏ"


Vướng mắc liên quan đến Luật bầu cử Đại biểu HĐND, Luật tổ chức HĐND và UBND và Điều 123 Hiến pháp 1992, là một phần lý do dẫn đến đề xuất năm 2008 của Đà Nẵng bị khước từ. Điều 123 Hiến pháp 1992 quy định: "Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu".

Vướng mắc này tuy không nhỏ nhưng đối với tập quán chính trị ở Việt Nam thì không đến mức bất khả vượt qua.

 

Dẫn chứng là năm 2008, có ba đề xuất cùng được nêu ra, cả ba đều không phù hợp với Điều 123 Hiến pháp 1992: thí điểm bỏ HĐND cấp huyện, thí điểm bầu trực tiếp Chủ tịch xã, thí điểm bầu trực tiếp Chủ tịch thành phố trực thuộc TW.

 

Chỉ có đề xuất thứ nhất được bật đèn xanh bởi một nghị quyết. Và khi có nghị quyết bảo trợ thì người ta yên tâm áp dụng trên 10 tỉnh thành/tổng số 63 tỉnh thành. Điều này có nghĩa là việc bầu trực tiếp thị trưởng có được quy định trong Hiến pháp 1992 hay không không phải là chuyện không thể vượt qua.

 

Vướng mắc nói trên tuy "không to" theo tập quán chính trị, nhưng nếu đề xuất này được đưa vào trong lần sửa đổi Hiến pháp 1992 sắp tới (dự kiến vào năm 2013) thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Đó chính là lý do UBND TP. Đà Nẵng cùng ông Nguyễn Bá Thanh kiên định nêu lại vấn đề bầu trực tiếp thị trưởng ngay trước thềm sửa đổi Hiến pháp 1992.

 

Theo thiển ý của người viết, đây là cách làm hoàn toàn hợp lý, hợp hiến. Vì các giải pháp hợp lý cần phải được tích hợp vào hiến pháp trước lúc đem ra thi hành.

 

Bởi vậy, việc sửa đổi hiến pháp sắp tới, không chỉ nên mở đường cho việc xây dựng chính quyền đô thị ở Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mà còn mở đường cho việc xây dựng chính quyền phù hợp với đặc thù hải đảo, miền núi xa xôi. Và hiến pháp cũng phải bảo đảm cơ hội bình đẳng giữa các tỉnh thành, không đóng cửa trước đòi hỏi cải cách chính quyền địa phương của các tỉnh thành còn lại.

 

Theo skydoor.net

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 125 khách Trực tuyến