Hiện Đà Nẵng có 6 KCN với đầy đủ cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu, được quy hoạch khá chuyên sâu, phù hợp với đặc thù cơ cấu đầu tư và sản xuất của từng lĩnh vực. Đến nay, đã có gần 330 DN đang sản xuất, kinh doanh tại 6 KCN.
=> Đà Nẵng thu hút đầu tư vào KCN
Việc thu hút được các DA đầu tư thuộc lĩnh vực, ngành nghề dịch vụ đang tạo thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của thành phố theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.
Từ đầu năm 2012 đến nay, UBND TP Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) cho 2 DA có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có 1 DA 100% vốn đầu tư của Bỉ và 1 DA liên doanh giữa nhà đầu tư Việt Nam và Việt kiều Mỹ với tổng vốn đầu tư đăng ký 9.205.076USD. Theo thống kê của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, lũy kế đến 15-2, TP Đà Nẵng đã thu hút 212 DA có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt trên 3,16 tỷ USD, trong đó British Virgin Island có tổng vốn đầu tư đăng ký dẫn đầu trong 30 quốc gia, vùng lãnh thổ có DA đầu tư tại Đà Nẵng với 37,4% tổng vốn đầu tư.
Đặc biệt, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đã làm cho môi trường đầu tư thêm phong phú, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác của địa phương cùng phát triển, mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư với nước ngoài, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hằng năm, các DN FDI đã thực hiện được gần 3.000 tỷ đồng giá trị sản lượng hàng hóa; xuất khẩu đạt gần 400 triệu USD. Hàng hóa xuất khẩu của các DN FDI vẫn duy trì ổn định ở các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Đông Bắc Á.
Sự có mặt của các DN FDI đã góp phần quan trọng làm cho quy mô và tốc độ tổng kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng liên tục gia tăng trong những năm qua. Hầu hết các chủ DN FDI đều có hướng đầu tư, làm ăn lâu dài tại Đà Nẵng, với chiến lược rõ ràng; xem DN của mình là một thành viên của cộng đồng các DN thành phố. Nhiều chủ trương, chính sách của Đà Nẵng đã được DN chủ động và tự giác tham gia, như phong trào xây dựng thành phố sạch - đẹp - văn minh. Nhiều DN đã chủ động đề xuất với thành phố cấp đất, làm nhà cho công nhân, hưởng ứng mục tiêu “Có nhà ở” mà Đà Nẵng đang hướng tới. Nhiều chủ trương, chính sách của thành phố đã được bổ sung, thay đổi cho phù hợp với tình hình mới nhờ những đóng góp xây dựng của các DN FDI, nhất là việc cải cách thủ tục hành chính.
Để tiếp tục gia tăng hiệu quả và tháo gỡ những vướng mắc trong thu hút đầu tư, Đà Nẵng chủ trương tiếp tục tập trung vào việc đẩy mạnh vốn giải ngân, giảm khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện. Phối hợp, hỗ trợ, thúc đẩy nhanh việc giải ngân vốn đăng ký của các DA đã được cấp giấy CNĐT, đặc biệt chú trọng đến công tác thúc đẩy triển khai các DA quy mô vốn đầu tư lớn được cấp Giấy CNĐT trong vài năm gần đây bằng cách tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, về giải phóng mặt bằng, giúp các DA này triển khai nhanh chóng. Thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện giải quyết vướng mắc của các DN FDI trong việc triển khai hoạt động. Đồng thời, có kế hoạch nắm bắt cụ thể tình hình triển khai của các DA FDI có quy mô vốn đầu tư lớn để kịp thời hỗ trợ triển khai sau đầu tư. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm soát sau cấp phép, nhằm hướng dẫn việc thực hiện đúng pháp luật và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; tiếp tục rà soát và thu hồi Giấy CNĐT đối với các DA không triển khai đúng tiến độ cam kết để dành quỹ đất cho các DA mới.
Kết quả của việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, thực hiện nhiều chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư đã mang lại diện mạo mới cho thành phố. Sự có mặt ngày càng nhiều của các DN FDI đã làm thay đổi sâu sắc về cơ cấu, quy mô của ngành công nghiệp của Đà Nẵng, đặc biệt là giá trị kim ngạch xuất khẩu và thu hút lực lượng lao động khá lớn.
Theo 24h.com.vn