L.T.S: Ngày 15-7, tại Đà Nẵng, sẽ diễn ra Hội thảo liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung (gồm Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa) với sự tham gia của các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia... Hội thảo nhằm đi đến thống nhất về sự cần thiết xây dựng cũng như thực thi các chính sách và cơ chế liên kết phát triển chung của cả vùng, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững. Nhân dịp này, Báo Đà Nẵng có những bài viết liên quan đến các lĩnh vực cần bàn thảo về hợp tác, liên kết phát triển trong khu vực này.
Về mặt lịch sử, duyên hải miền Trung là cầu nối đưa 3 nền văn minh Việt, Champa, Phù Nam đến sự hội tụ để hình thành quốc gia Việt Nam thống nhất; là chỗ đứng chân của triều đại có cương vực và lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử dựng nước của cha ông. Vì thế, không phải chỉ thời Nguyễn, mà cho đến nay, vùng duyên hải miền Trung vẫn giữ vị thế đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh và quan hệ quốc tế của Việt Nam cũng như đối với cộng đồng ASEAN.
Do đặc điểm của điều kiện tự nhiên và lịch sử vùng đất, việc giao thương diễn ra từ xưa trên vùng duyên hải miền Trung, góp phần hình thành những đô thị cổ là trung tâm chính trị và kinh tế, văn hóa. Bước vào thời cận đại, sự xâm lược và thống trị của thực dân Pháp càng thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh hơn, dẫn đến việc thành lập thành phố Đà Nẵng năm 1889, kéo theo sự xuất hiện hệ thống đô thị mới gồm Thanh Hóa, Vinh, Huế, Hội An, Quy Nhơn, Phan Thiết từ năm 1899, mở ra quá trình đô thị hóa ở vùng duyên hải miền Trung.
Sau hơn một thế kỷ đô thị hóa, tính đến tháng 6-2011, duyên hải miền Trung có 5 thành phố được xếp hạng đô thị loại I là Đà Nẵng, Huế, Vinh, Nha Trang, Quy Nhơn (trong đó Đà Nẵng trực thuộc Trung ương); 2 thành phố được xếp hạng đô thị loại II là Thanh Hóa, Phan Thiết; 11 thành phố và thị xã được xếp hạng đô thị loại III là Đồng Hới, Quảng Ngãi, Tuy Hòa, Phan Rang-Tháp Chàm, Đông Hà, Tam Kỳ, Hội An, Hà Tĩnh, Cam Ranh, Sầm Sơn, Cửa Lò.
Sự nở rộ của các đô thị với những hạt nhân như Đà Nẵng, Vinh, Nha Trang đã góp phần đưa kinh tế-xã hội vùng duyên hải miền Trung phát triển mạnh hơn, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh hơn, quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có đô thị nào thuộc duyên hải miền Trung trở thành “siêu đô thị” đạt tầm cỡ là trung tâm vùng miền như thành phố Hà Nội ở miền Bắc hay thành phố Hồ Chí Minh ở miền Nam; tiềm năng, thế mạnh của các đô thị chưa được phát huy tối đa, tính cạnh tranh nội bộ giữa các địa phương gây kìm hãm sức phát triển của đô thị toàn vùng.
Sự “rời rạc” và thiếu quy mô lớn của đô thị duyên hải miền Trung một phần do đặc điểm địa lý-lịch sử chi phối, mặt khác là do tầm nhìn chiến lược và lợi ích toàn vùng chưa được tôn trọng, lợi ích trước mắt của từng địa phương vẫn được chú ý nhiều hơn. Hạn chế này thể hiện qua sự đầu tư phát triển cảng biển, sân bay, khu kinh tế mở… bị dàn trải trên toàn vùng, cơ cấu ngành nghề, sản phẩm bị trùng lắp giữa các địa phương, hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội nhiều đô thị còn yếu kém, trong khi một số ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ lại thiếu hụt, chưa có tính đồng bộ.
Những tồn tại nêu trên ngày càng bộc lộ rõ, và lãnh đạo các địa phương cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết phát triển vùng, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Vì vậy, đã có các diễn đàn kinh tế với chủ đề “Liên kết vì sự phát triển miền Trung” tổ chức tại Hội An vào 25-4-2007, hay “Miền Trung-Vận hội mới cho đầu tư và phát triển” tổ chức ở Đà Nẵng vào 27-3-2008.
Nhưng sự xúc tiến liên kết giữa các địa phương thời gian qua vẫn chưa rộng rãi, hiệu quả vẫn còn khá hạn chế; do đó, chủ trương “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung” từ Thừa Thiên- Huế đến Khánh Hòa là một động thái cực kỳ cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng ở thời điểm này.
Giải pháp cho sự liên kết
Điều kiện tiên quyết cho sự liên kết 7 tỉnh duyên hải miền Trung là sự cam kết thực tâm từ đội ngũ lãnh đạo của các tỉnh, thành. Không thể liên kết thành công nếu những nhà lãnh đạo địa phương chưa có quyết tâm cao trong việc liên kết. Thực tế những năm qua cho thấy dù lãnh đạo nhiều địa phương luôn khẳng định quyết tâm liên kết để phát triển trên diễn đàn hay trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng đã không quyết tâm xúc tiến sự liên kết bằng hành động trong thực tiễn, phần lớn “đánh trống bỏ dùi”.
Thứ hai, việc liên kết dù tuân thủ nguyên tắc các bên cùng có lợi và cùng phát triển, nhưng không thể để tình trạng “cá đối bằng đầu” gây khó khăn cho việc điều hành, mà đòi hỏi phải có người cầm trịch trong nhóm liên kết. Không có người cầm đầu giữ vị trí “minh chủ”, sẽ rất khó để kết nối các thành viên trong nhóm liên kết thành một thể thống nhất. Đây là một thách thức rất “tế nhị”, nhưng có tác động không nhỏ đến sự thành bại của chương trình liên kết được vạch ra.
Trong thực tế, Nghị quyết 33/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 16-10-2003 đã xác định đến năm 2020 Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1085/QĐ-TTg ngày 12-8-2008, phê duyệt quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà Đà Nẵng là đô thị trung tâm của vùng Trung Trung Bộ, đầu mối trung chuyển và trung tâm giao thương, chế biến của vùng Mêkông lớn và khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là sự định hướng cụ thể và rõ ràng của Trung ương đối với vùng duyên hải.
Thứ ba, cần nhanh chóng xóa bỏ sự ngăn cách về hạ tầng giao thông giữa các địa phương trong nhóm liên kết, đồng thời mở rộng sự kết nối với hai miền Nam-Bắc và quốc tế, thông qua hệ thống đường cao tốc, mà trước hết là đường bộ, rồi sau đó là đường sắt, và tiến lên là đường hàng không trong khu vực. Với khoảng cách 627km và trong điều kiện hạ tầng hiện nay, tàu hỏa hay ô-tô đi từ Huế cũng phải mất khoảng 12-15 giờ mới đến được Nha Trang. Trắc trở giao thông là một trong những lý do khiến việc liên kết vùng sẽ khó có hiệu quả cao trên nhiều lĩnh vực kinh tế.
Thứ tư, biết hy sinh lợi ích trước mắt của địa phương để hướng đến lợi ích lâu dài, bền vững của toàn vùng duyên hải; phân bố lại lực lượng sản xuất một cách hợp lý và hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tránh sự đầu tư dàn trải mang tính cạnh tranh nội bộ để tập trung cho thế mạnh mũi nhọn của vùng phù hợp với từng địa phương, bổ sung và hỗ trợ cho nhau để tiến lên chuyên nghiệp hóa, công nghệ hóa trên phạm vi toàn vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng đối với cả quốc nội và quốc tế.
Thứ năm, việc liên kết phải dựa trên nền tảng của sự đồng bộ cả về tổ chức và phát triển, tránh sự chồng chéo, dẫm đạp lên nhau hay “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” làm hỏng “khối liên kết”. Chẳng hạn, khách du lịch dạo phố ngắm cảnh sông Hàn ở Đà Nẵng có tâm lý tự do thoải mái bao nhiêu thì có thể sẽ nhanh chóng mất cảm hứng và bực bội bấy nhiêu khi bị sự chèo kéo, nài nỉ “dai như đĩa” của những người bán hàng rong, xe ôm hay xích lô khi đi bộ trên những đường phố ở Huế… Đó là một thực tế dễ nhìn thấy nhưng không dễ để dẹp bỏ giống như ở Đà Nẵng.
Nói chung, vùng duyên hải miền Trung muốn phát triển hơn nữa thì cần phải có sự liên kết toàn diện giữa các địa phương trên tinh thần thân thiện và sự đồng tâm hiệp lực. Muốn có những “siêu đô thị” tầm cỡ như hai đầu đất nước để khẳng định vị thế của vùng duyên hải và nâng tầm vóc của các đô thị thì phải có sự bắt tay đồng lòng giữa các địa phương; mà Đà Nẵng và Cam Ranh là những hạt nhân có đủ tiềm năng, thế mạnh và tiền đề lịch sử như các chuyên gia đô thị học trong nước và quốc tế đã đánh giá.
Vì vậy, kế hoạch liên kết phát triển kinh tế-xã hội của 7 tỉnh duyên hải miền Trung hiện nay là một bước đi đúng hướng, thể hiện sự chấp hành chủ trương của Trung ương, tầm nhìn và quyết tâm thực sự của lãnh đạo các địa phương trước đòi hỏi cấp bách trong xu thế hội nhập và phát triển của địa phương và quốc gia.
Theo Báo Đà Nẵng