Chỉ ra những nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực luôn “nóng bỏng”, báo cáo “Nguy cơ tham nhũng trong việc giao đất cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS)” của Viện Khoa học Thanh tra kết hợp với Công ty Luật Dazpro thực hiện được đánh giá là một bước đi táo bạo trong việc đánh giá thực trạng tham nhũng và phòng, chống tham nhũng.
1. Miếng bánh “siêu lợi nhuận” và nền “văn hóa quà tặng”
Tại hội thảo chia sẻ báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát được tổ chức ngày 21/10 tại Hà Nội, ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra cho biết, Báo cáo đã chỉ ra 6 nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực “nóng” này. Nguy cơ tham nhũng cao bắt nguồn từ “siêu lợi nhuận” khi đất được giao/cho thuê với mục đích thương mại; từ sự phức tạp, không thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của pháp luật hiện hành; sự yếu kém trong quá trình thực hiện pháp luật. Sự thiếu công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong việc giao/cho thuê đất kinh doanh BĐS; sự chồng chéo, thiếu hiệu quả của bộ máy quản lý đất đai, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức; nhận thức và thái độ ứng xử của doanh nghiệp và người dân trong quan hệ với cơ quan công quyền cũng là những yếu tố chứa đựng nguy cơ tham nhũng cao.Kết quả khảo sát cho thấy, giá đất tăng không ngừng trong thời gian qua, thể hiện ở khung giá đất của tỉnh và giá giao dịch trên thị trường năm sau cao hơn năm trước. Chính vì giá trị “siêu lợi nhuận” này dẫn đến nguy cơ các nhà đầu tư sẵn sàng “bôi trơn” bằng các khoản chi phí không chính thức.
78% ý kiến DN cho rằng thời hạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kể từ ngày giải phóng mặt bằng và nộp đủ hồ sơ không đúng hạn. 63,5% cán bộ, công chức thừa nhận thời gian giải quyết hồ sơ, yêu cầu của DN trên thực tế dài hơn so với quy định. Việc không bảo đảm thời hạn quy định thúc đẩy nhà đầu tư tìm cách quà cáp, bồi dưỡng cho người thực thi nhiệm vụ để đẩy nhanh quá trình thực hiện các thủ tục cần thiết.
Sự thiếu công khai, minh bạch thủ tục hành chính trong việc giao/cho thuê đất kinh doanh BĐS hiện cũng rất đáng báo động. Có đến 60,4% số cán bộ, công chức được hỏi công nhận việc công khai chính sách pháp luật, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế, rất hạn chế hoặc không được thực hiện.Ông Đinh Văn Minh cũng đặc biết nhấn mạnh đến nguy cơ tham nhũng từ chính nhận thức và thái độ ứng xử của DN và người dân. 93,4% DN được hỏi thừa nhận có chi trả các chi phí không chính thức. 31,7% cán bộ, công chức được hỏi công nhận DN có trả thêm các khoản chi phí này. Theo ông Minh, nền “văn hóa quà tặng”, thói quen quà cáp “đôi bên cùng có lợi” đang “ám ảnh” quy cách ứng xử của người dân. Việc coi quà cáp hối lộ là bình thường, tất yếu và là con đường tốt nhất, nhanh nhất, rẻ nhất đưa hối lộ trở thành thói quen.
2. “Một rừng luật”, tăng nguy cơ tham nhũng
Hiện nhiều ngành luật cùng điều chỉnh vấn đề giao đất/cho thuê đất cho DN kinh doanh BĐS, có thể kể đến như: Dân sự, Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Đầu tư, Doanh nghiệp. Chính sự mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống pháp luật dẫn đến nguy cơ người thực thi trách nhiệm quản lý có nhiều lý do để gây khó khăn cho nhà đầu tư để nhận được sự “bồi dưỡng” hay “bôi trơn” trong quá trình làm thủ tục.