Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Nhà chung cư cho phụ nữ nghèo

PDF.InEmail

altPhụ nữ nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang háo hức và tràn đầy hy vọng khi giấc mơ có nhà ở sắp trở thành hiện thực. Ở các chi, tổ phụ nữ, công tác lập danh sách, khảo sát cũng đang diễn ra hết sức tích cực. Mọi sự bắt đầu từ lời gợi mở của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh...

 

“Đời chúng tôi không dám mơ mua đất, làm nhà”. Mấy ngày qua, trong căn phòng trọ 16 mét vuông được thuê suốt gần 10 năm ở tổ 50, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, vợ chồng chị Nguyễn Thị Phương (1974), anh Nguyễn Đình Hùng (1971) cùng ba đứa con như được “sống lại” khi thấy cán bộ phụ nữ đến tìm hiểu, lập danh sách để trình lãnh đạo thành phố xem xét bố trí nhà chung cư. Vợ bán hàng rong, chồng chạy xe thồ nuôi các con ăn học, nên làm thế nào để thôi cảnh ở thuê đối với anh chị chỉ là ý nghĩ cho... khuây khỏa.

 

alt

 

Nhưng giờ đây, ngồi trước mặt cán bộ phụ nữ, đôi mắt anh Hùng, chị Phương lại rưng rưng bao niềm xúc động xen lẫn nỗi đợi mong. Chưa thấy nhà mà họ đã mơ: “Sướng hè, rứa thì còn chi bằng, mấy đứa nhỏ sẽ có góc học tập, thằng con đỡ phải khiêng xe đạp leo cầu thang nữa”. Chuyện là nhà thuê của anh chị nằm trên một căn gác, để bảo vệ tài sản, chiếc xe máy phải gửi tạm nhà người quen, xe đạp thì được con khiêng lên tận phòng sau mỗi buổi đi học về. Cũng vì diện tích quá nhỏ cho 5 người ở, nên nhà của họ không có giường, tủ hay thứ nội thất đáng kể nào ngoài bộ bàn học.

 

Thuộc diện hộ đặc biệt nghèo, nhưng vì chị Phương không phải là phụ nữ đơn thân nên nhiều lần xét nhà trước đây, chị bị lọt khỏi danh sách. Lần này, tiêu chí xét chọn mở rộng hơn, chị lại hy vọng. Theo đó, đối tượng được chọn là phụ nữ có chồng, có con hoặc không chồng mà có con đang trong diện đặc biệt nghèo, nghèo và cận nghèo của địa phương quản lý hiện nay (đang phải thuê nhà ở của tư nhân, trả tiền thuê nhà hằng tháng); có hộ khẩu tại thành phố Đà Nẵng; có địa chỉ cụ thể nhà đang thuê; được UBND phường xác nhận; không thống kê diện đang thuê chung cư giá Nhà nước hoặc đang ở chung với gia đình, người thân. Những trường hợp đặc biệt không bảo đảm các tiêu chí được lập danh sách và trình hoàn cảnh cụ thể. “Đời chúng tôi không dám mơ mua đất, làm nhà. Giờ thành phố nói vậy thì mình biết tin và đợi. Ước chi...”, đôi mắt chị Phương, anh Hùng lại long lanh bao nỗi...

 

Ngay sau lời phát biểu của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh tại Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố về việc bố trí nhà chung cư cho phụ nữ nghèo, rất đông chị em đã lập tức chạy lên UBND phường “hỏi lại cho rõ”. Có người mang đơn trình xin nhà như cá gặp nước. Tuy nhiên, tất cả đều được hướng dẫn quay về để làm theo lộ trình. Ngay cả cán bộ Hội cũng bất ngờ trước chủ trương này. Các chị cho biết, Nghị quyết của Đại hội có 3 khâu đột phá, trong đó có chi tiết cùng thành phố giải quyết vấn đề “3 có”. Ban đầu, phụ nữ cơ sở cũng hơi lo lắng sợ khâu này quá sức với chị em, đến khi nghe Bí thư Thành ủy nói thì mọi sự đã vỡ lẽ.


Các địa bàn được lập danh sách và khảo sát nhà ở cho phụ nữ nghèo dịp này gồm các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn. Riêng quận Ngũ Hành Sơn không khảo sát phường Hòa Hải, Hòa Quý; quận Cẩm Lệ không khảo sát phường Hòa Xuân.

Tránh ngồi “nhầm” nhà.

 

Mục tiêu của Hội Phụ nữ các cấp là làm thế nào không bỏ sót đối tượng cũng như tránh bố trí “nhầm” để vừa bảo đảm quyền lợi của chị em, vừa giữ uy tín Hội trước lãnh đạo thành phố. Thế nên, không chỉ bám sát kế hoạch từ Thành Hội, ở chi, tổ, cán bộ phụ nữ cũng phối hợp với chi ủy, tổ trưởng dân phố họp tới, bàn lui mấy bận. Chị Lê Thị Thu Huệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê cho biết: “Chính quyền cơ sở là nơi nắm rõ nhất từng hoàn cảnh cụ thể của chị em phụ nữ nghèo, nên rất cần sự vào cuộc của chính quyền và các tổ chức đoàn thể khác.

 

Sau khi có danh sách, chúng tôi sẽ đưa ra họp công khai ở tổ dân phố để nghe các ý kiến phản biện từ người dân sống xung quanh. Trong 10 ngày, danh sách được niêm yết tại UBND phường, người dân lại có thời gian tham gia phản biện một lần nữa”. Chị Huệ cho biết thêm: “Các chị cũng lường trước những tình huống như đang ở chung nhà với gia đình, người thân bỗng dưng đi thuê nhà ở của tư nhân để hợp thức hóa các điều kiện. Với những trường hợp này, Hội Phụ nữ cơ sở sẽ lưu ý và có ghi chú sau mỗi hồ sơ”.

 

Thời gian từ đây đến cuối năm báo cáo lãnh đạo thành phố có lẽ khá gấp rút với cán bộ phụ nữ tại cơ sở. Bởi đa số các chị lớn tuổi, kiêm nhiệm nhiều việc. Hơn nữa, tình trạng di dân tại Đà Nẵng diễn ra khá phổ biến nên không chỉ thẩm định ngay trên địa bàn dân cư, các chị còn phải tìm người của địa phương mình hiện cư trú ở những nơi khác; đồng thời giới thiệu người từ nơi khác về lại nơi đã đăng ký hộ khẩu để làm thủ tục. Song trên tất cả, Hội Phụ nữ các cấp rất nhiệt tình trước nhiệm vụ mới, bởi họ được góp phần mang quyền lợi lớn lao đến cho chị em nghèo. Với địa phương thì đây là điều kiện giúp giải quyết gánh nặng trong công tác giảm nghèo và việc thoát nghèo bền vững sẽ thuận lợi hơn.

Bài và ảnh: THU HOA


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 796 khách Trực tuyến