Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Đà Nẵng - Quyết liệt xử lý các bức xúc về dân sinh

PDF.InEmail

Đà nẵng quyết liệt xủ lý buc xúc về dân sinhNgày 22-12, 14 vấn đề trọng tâm đã được các đại biểu (ĐB) HĐND góp ý, thảo luận tại kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố khóa VIII. Qua đó, nhiều bức xúc nổi cộm hiện nay đã được bàn thảo sôi nổi, góp phần quan trọng trong việc giúp HĐND quyết định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2012.

 


Khảo sát trước khi quyết định chuẩn nghèo


Một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu nêu ra tại buổi thảo luận tổ và thảo luận tập trung tại hội trường là đề xuất điều chỉnh mức nghèo theo chuẩn mới của thành phố lên 600.000 đồng đối với huyện Hòa Vang và 800.000 đồng cho các quận nội thành. Ông Nguyễn Hùng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho rằng: Cần điều tra cụ thể số hộ nghèo ở thành phố hiện nay trước khi ban hành chuẩn nghèo mới của thành phố. Theo ĐB Phan Lợi thì việc xóa nghèo phải tính đến 2 yếu tố: xóa nghèo bền vững và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của những hộ nghèo.

 

khảo sát xác định chuẩn nghèo

 

Trong khi đó, theo ĐB Nguyễn Thị Thanh Hưng, để tính được chuẩn nghèo phải trải qua quá trình khảo sát ít nhất 4 tháng. Vì vậy, phải đến năm 2013 mới áp dụng được mức chuẩn nghèo mới, đồng thời cũng không thể so sánh chuẩn nghèo của Đà Nẵng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bà Hưng nói rằng, ở Đà Nẵng có đến 40% người dân thu nhập từ 600.000 - 800.000 đồng/tháng. Tính đến nay vẫn còn gần 7.000 hộ nghèo và năm 2012, cả thành phố phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới giúp các hộ này thoát nghèo. “Để giải quyết được bài toán xóa nghèo, cần sự chung tay của nhiều nguồn lực… Hiện bình quân mỗi năm thành phố phải chi 200 tỷ đồng để xóa nghèo”, bà Hưng nói. Còn ông Lợi nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không có những giải pháp căn cơ thì nghèo sẽ tái nghèo”.

 

Đồng quan điểm này, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh, nếu chưa khảo sát thực tế mà quyết ngay mức chuẩn nghèo như trên thì sẽ khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là đối với việc khảo sát các hộ nghèo trong năm 2012. Do vậy, UBND thành phố đề nghị nên khảo sát các hộ nghèo trước khi ban hành chuẩn mới thì phù hợp hơn. Trên cơ sở những ý kiến của các ĐB, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh khẳng định, chưa điều chỉnh chuẩn nghèo hiện nay và sắp tới các ngành sẽ kiểm tra, khảo sát thực tế trước khi ban hành vào giữa năm 2012.

 

Tăng cường quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông


Vấn đề quản lý kinh doanh quán karaoke, quán bar, các tiệm cầm đồ, tiệm Internet và việc tăng lệ phí trước bạ cấp mới đối với ô-tô dưới 10 chỗ ngồi đã được các ĐB thảo luận sôi nổi. Theo đó, ĐB Kiều Văn Toàn đề nghị, cần hạn chế cấp giấy phép cho các quán cà-phê, quán bar nhạc sống vì tiếng ồn nhiều, độ rung lớn. Trong quản lý Nhà nước cần bắt đầu từ quy trình quản lý hành chính và nếu các đơn vị kinh doanh hình thức này bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường thì mới được cấp phép. Đối với hoạt động kinh doanh karaoke, ĐB Nguyễn Quốc Bình cho rằng, nếu tái phạm đề nghị rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.

 

alt

 

Nhiều đại biểu thống nhất với việc cần tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các hành vi đánh bạc tại các địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố. Đối với các tiệm cầm đồ, cần rà soát, không cấp giấy phép kinh doanh mới hình thức này vì nhiều ĐB cho rằng, đây là một trong những hình thức kinh doanh liên quan đến các vấn đề an ninh trật tự, trong đó, xuất hiện nhiều hành vi chứa chấp tội phạm, vi phạm pháp luật.

 

Về vấn đề giao thông, ĐB Hoàng Giang Yên Thủy đề nghị cần tăng cường giám sát trật tự giao thông đô thị, tăng mức xử phạt các ô-tô đậu, đỗ tại khu vực lòng, lề đường. Nhiều ĐB bày tỏ bức xúc trước tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường trung tâm, nhất là nơi có trường học, vừa gây khó khăn đi lại, vừa dễ xảy ra tai nạn. ĐB đề nghị phải nghiêm cấm đậu, đỗ xe trước cổng trường học và phải cách trường học ít nhất 50m. Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Văn Sơn và nhiều ĐB khác thì việc Ban Kinh tế - Ngân sách và một số ĐB đề xuất tăng thuế trước bạ đối với ô-tô đăng ký mới lên 20% là quá cao và việc ngừng đăng ký ô-tô không phải là giải pháp phù hợp. Ông Sơn cho biết, số lượng ô-tô dưới 10 chỗ ở Đà Nẵng hiện không quá nhiều. Năm 2011 có 3.900 ô-tô đăng ký, số đăng ký mới tăng 261 chiếc so với năm ngoái.

 

Vì vậy, nguyên nhân ùn tắc giao thông không phải do lượng ô-tô tăng mà vì những nguyên nhân khác, cần tìm giải pháp căn cơ hơn thay vì cấm đăng ký mới hoặc tăng thuế trước bạ. Nhiều ĐB nhất trí mức tăng lệ phí trước bạ chỉ dừng ở mức 15%. Vì theo ĐB Võ Thành Nhân, người mua xe sẽ chuyển sang đăng ký trước bạ ở tỉnh lân cận với mức thu thấp hơn. Hoặc trong một số trường hợp, việc tăng lệ phí trước bạ 20% sẽ hạn chế việc mua xe của người dân trong khi đó, thành phố vẫn đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu thu thuế trước bạ ô-tô trong năm 2011.


Giám sát chặt chẽ tình trạng dạy thêm, học thêm


Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố cho rằng, rất khó để hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm vì với áp lực về khối lượng bài vở cần chuyển tải cũng như mức lương thấp thì giáo viên các cấp học sẽ vẫn tiếp tục dạy thêm ngoài giờ học. ĐB Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố cho biết, đối với bậc tiểu học, do 70% học sinh học bán trú nên nảy sinh việc phụ huynh muốn gửi con cho giáo viên chủ nhiệm chăm sóc hoặc nhờ các trung tâm tư nhân chăm sóc (hiện thành phố có 2 trung tâm được thành lập). Ông Chinh khẳng định, phụ huynh chủ yếu nhờ chăm sóc chứ không có việc dạy thêm ở bậc tiểu học.

 

alt

 

Theo Quyết định 38 của UBND thành phố thì quy định mức thu học phí dạy thêm của học sinh chỉ khoảng 50.000 đồng, trong khi đó, đa số giáo viên hiện nay đều thu từ 100 đến 150 nghìn đồng. Như vậy, giáo viên vi phạm quy định của thành phố nhưng ông Chinh cho rằng, rất khó xử lý thực trạng này mà chủ yếu dựa trên thỏa thuận giữa phụ huynh, học sinh với giáo viên. Ngoài ra, theo quy định, giáo viên không được dạy học sinh lớp mình nhưng hầu hết giáo viên các cấp học đều dạy học sinh lớp mình chủ nhiệm để tiện trong việc theo dõi năng lực học tập của các em.

 

Về việc tăng cường biện pháp quản lý sĩ số học sinh lớp học đầu cấp, ĐB Thái Thanh Hùng cho rằng: Tăng cường biện pháp quản lý sĩ số học sinh đầu cấp sẽ dẫn đến tình trạng các trường không nhận học sinh; do đó cần mở rộng trường lớp, đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho con em được đi học. Muốn giải quyết vấn đề này, ngành giáo dục nên quan tâm đến chất lượng giáo dục. ĐB Đỗ Thị Kim Lĩnh thì cho rằng, quy mô trường, lớp mỗi khu vực và địa phương khác nhau, do vậy, không thể cứng nhắc trong việc quy định sĩ số học sinh đầu cấp mà cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay ở mỗi trường, mỗi cấp học, mỗi địa phương.

 

Chú trọng giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội


Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, một số ĐB đề nghị thành phố xem xét và can thiệp về định mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp hiện nay. ĐB Võ Thành Nhân bức xúc nói, năm 2011, lãi suất vay ngân hàng có lúc lên đến 24%, nhiều doanh nghiệp buộc phải vay để duy trì và tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh. Nhưng như vậy thì lợi nhuận thu được sẽ rất thấp, doanh nghiệp không xoay xở được. ĐB đề nghị HĐND thành phố có ý kiến can thiệp với các ngân hàng thương mại để điều chỉnh mức lãi suất vay vốn nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, ĐB Trương Phước Ánh cho rằng, cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư công nghệ và phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, bố trí tỷ lệ mua sắm công dành cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

alt

 

Tại tổ thảo luận số 3 (gồm các đại biểu quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang), nhiều ĐB cho rằng, việc đầu tư đánh bắt hải sản xa bờ là chủ trương chung của cả nước bởi đây không chỉ là vấn đề hiệu quả kinh tế mà còn liên quan đến bảo vệ chủ quyền và an ninh-quốc phòng. Do vậy, ĐB Trần Đình Quỳnh đề nghị giảm dần số tàu thuyền gần bờ, tập trung cho những tàu đánh bắt xa bờ bằng việc hỗ trợ tiền hoặc các thiết bị dò tìm để các tàu có thể vươn khơi nhằm tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt hải sản và góp phần khẳng định chủ quyền của ta trên biển.

 

Liên quan đến chủ trương “Năm giải tỏa đền bù, tái định cư và an sinh xã hội”, nhiều ĐB đã đề cập đến việc thực hiện công tác giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư hiện nay. Theo đó, ĐB Nguyễn Hoàng Sơn đề nghị, trong năm 2012, thành phố cần tập trung giải quyết bố trí tái định cư dứt điểm cho các hộ dân mà thành phố còn nợ đất tái định cư trong năm 2008 và 2009, không nên để kéo dài gây bức xúc cho người dân. ĐB Đỗ Thị Kim Lĩnh yêu cầu UBND thành phố kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư kéo dài, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư nhằm bảo đảm điều kiện sống tốt hơn cho người dân khi đến nơi ở mới.

 

Trên cơ sở những ý kiến của ĐB, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh, năm 2012, thành phố vẫn ưu tiên bố trí tái định cư, cấp chung cư cho hộ nghèo, hộ thuộc diện giải tỏa đền bù, giải quyết dứt điểm việc bố trí tái định cư cho các hộ dân trong năm 2012. Đồng chí đề nghị UBND thành phố, các cấp, ngành, địa phương quản lý, chấn chỉnh việc kinh doanh các tiệm cầm đồ, quán karaoke, việc đậu, đỗ xe trước trường học; xử lý nghiêm tình trạng cá độ bóng đá, cho vay nặng lãi, dạy thêm, học thêm… Đồng chí thống nhất ý kiến các ĐB về việc miễn phí quốc phòng - an ninh đối với các hộ dân tộc thiểu số của huyện Hòa Vang. Đồng thời, nhất trí việc thu lệ phí trước bạ đăng ký xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi là 15%; đề nghị các ngành, địa phương quản lý chặt chẽ tình trạng nhập cư, việc quy định sĩ số học sinh các lớp đầu cấp học, lập lại trật tự giao thông đô thị trong năm 2012, kiên quyết xử lý tình trạng học sinh phổ thông, người chưa đủ tuổi đi xe máy…

 

Theo Baodanang.vn



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 318 khách Trực tuyến