Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Đà Nẵng - Bao giờ xây Khu liên hợp thể thao Hòa Xuân?

PDF.InEmail

altChủ trương di dời Sân vận động (SVĐ) Chi Lăng ra khỏi khu vực trung tâm TP Đà Nẵng và xây dựng một khu liên hợp thể thao (LHTT) tại khu đô thị sinh thái Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ) đã khiến cho cả hai vùng đất này nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư và cả người dân TP, trong đó có cả ý kiến chưa đồng nhất với nhau.

 

Ông Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có những chia sẻ về vấn đề đang được dư luận quan tâm này.


Thưa ông, có phải vì chuyển mục đích sử dụng khu đất SVĐ Chi Lăng nên TP mới xây Khu LHTT Hòa Xuân?

 

Không đúng! Chủ trương di dời SVĐ Chi Lăng ra khỏi trung tâm TP để xây dựng trung tâm thương mại đã nằm trong quy hoạch của TP, đã được Chính phủ phê duyệt và phù hợp với tinh thần Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị ngày 16.10.2003 về xây dựng và phát triển TP trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhằm chỉnh trang đô thị, thúc đẩy sự phát triển của TP cả hiện tại lẫn trong tương lai.

 

Chủ trương này đã được lãnh đạo TP thống nhất và cụ thể hóa trong quyết định của UBND TP ngày 21.12.2009 về phê duyệt quy hoạch, nhằm đưa TP trở thành một trong 3 trung tâm thể thao lớn của cả nước.

 

Cũng cần nói thêm, về lâu dài, không thể để một SVĐ giữa trung tâm, sẽ dễ xảy ra chuyện bất cập vì mật độ lưu thông ngày càng đông, tình trạng kẹt xe mỗi khi có bóng đá, tổ chức lễ hội chắc chắn sẽ diễn ra; mặt khác, TP cũng cần có một trung tâm thương mại tầm cỡ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và du khách chí ít cũng ngang bằng với các nước trong khu vực.

 

 

Vậy thì thưa ông, quy mô của khu LHTT ra sao và khi nào mới được xây dựng?
 
Như người dân TP đã thấy, trong hai năm 2009 - 2010, TP tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu đô thị mới này và tiến độ đang diễn ra như kế hoạch; dự kiến tháng 9 năm nay sẽ khởi công xây dựng khu LHTT rộng 130 ha, trong đó không chỉ có một mà là hai SVĐ. 
 
Một sân có sức chứa 20.000 chỗ ngồi, một sân có sức chứa 50.000 chỗ ngồi. Khu LHTT Hòa Xuân cùng với làng thể thao Tuyên Sơn sẽ đáp ứng việc tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế và khu vực chứ không riêng gì bóng đá.

Việc giao khu đất SVĐ Chi Lăng cho một đơn vị xây trung tâm thương mại còn có nhiều dư luận khác nhau, xin ông cho biết vì sao Tập đoàn Thiên Thanh được lựa chọn?
 
Chúng tôi thực hiện từng bước theo quy định chung. Sau khi có chủ trương, Hội đồng thẩm định giá có báo cáo, lãnh đạo UBND TP đồng ý và ban hành quyết định đề ngày 17.9.2010 về việc quy định giá đất để kêu gọi đầu tư. Cụ thể, quy định loại hình là trung tâm thương mại, cao ốc, văn phòng... Mật độ xây dựng tối đa 60%. Khối cao nhất 60 tầng, có 3-4 tầng hầm đậu xe... Các tiêu chí cụ thể khác sẽ được xem xét quyết định khi phê duyệt quy hoạch chi tiết. Giá đất kêu gọi đầu tư là 25,3 triệu đ/m2.
 
Công ty quản lý và khai thác đất Đà Nẵng đã đăng công khai trên Báo Công an Đà Nẵng 3 kỳ liên tục (từ ngày 22.9.2010) và Báo Người Lao Động liên tục 3 kỳ (từ ngày 23.9.2010). Đến ngày 6.10.2010 chỉ có một đơn vị duy nhất là Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư. Không có đơn vị thứ hai. Do đó UBND TP và các đơn vị liên quan đã tiến hành thủ tục đồng ý cho đơn vị này đầu tư theo đúng tiêu chí quy định. Tất cả quy trình đều đúng với quy định hiện hành của Chính phủ. Giả sử có đơn vị thứ hai tham gia đầu tư thì TP sẽ chuyển sang hình thức đấu giá. Nhưng không có.

Dư luận cho rằng, giá đất TP giao cho Tập đoàn Thiên Thanh thấp hơn giá đất thị trường 2 đến 3 lần?
 
Không thể mang giá của một lô đất mặt tiền các đường phố chính có diện tích nhỏ khoảng 100m2, giá mỗi m2 từ 50 đến 80 triệu đồng để so sánh với giá đất của một dự án có diện tích lớn 50.000m2, vì như thế nó khập khiễng, không đúng. Dự án phải tuân theo quy hoạch và định hướng của TP, ví dụ như diện tích xây dựng tối đa chỉ 60%, phần công viên cây xanh như thế nào, hạ tầng đường sá ra sao... chứ không phải "phân lô bán nền". 
 
Vả lại mặt tiền giá thế nào, sau mặt tiền 25m, 50m, 75m... giá ra sao thì đã có Hội đồng thẩm định giá tính toán và có các quyết định của UBND TP đã ban hành được áp dụng trên địa bàn TP. Nếu nói rẻ là không đúng, vì nếu rẻ thì tại sao không có nhiều nhà đầu tư nộp đơn mà chỉ có mỗi Tập đoàn Thiên Thanh tham gia? TP cũng muốn có nhiều nhà đầu tư tham gia để đấu giá, nhưng cuối cùng chỉ có một. 
 
TP cũng đã làm như vậy đối với khu số 9 Lê Duẩn, khi đăng báo đã có đến 32 đơn vị nộp đơn và sau đó tổ chức đấu giá công khai, còn đối với dự án này chỉ có một đơn vị tham gia nên UBND TP chọn và giao nhà đầu tư là đúng theo trình tự quy định.
 
Cá nhân tôi nghĩ rằng giá đó không rẻ, nếu chúng ta ước tính ngoài tiền chuyển quyền sử dụng đất 1.300 tỉ đồng, cũng phải đầu tư thêm ít nhất 15.000 tỉ đồng nữa. Mà phải xây dựng từ 5 đến 7 năm mới có thể xong. Chỉ tính nhẩm khoản vay trả lãi cho ngân hàng thì tôi cho rằng nhà đầu tư phải tâm huyết kèm một chút mạo hiểm. 
 
Vì như chúng ta đã biết, thị trường cao ốc, văn phòng cho thuê ở Đà Nẵng không sôi động như Hà Nội hoặc TP.HCM, nhu cầu mua sắm cũng thế. Nhà đầu tư tâm huyết với vùng đất miền Trung này mới mạo hiểm để đón đầu xu thế như thế!

Xin cám ơn ông!

Theo Landtoday

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 342 khách Trực tuyến