"Khó khăn của thị trường BĐS hiện nay chỉ mang tính tạm thời, những nhà làm chính sách, cũng như các nhà đầu tư không nên quá lo lắng"
Đó là những chia sẻ của ông Lương Ngọc Lân – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản Tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC Land).
Ông nhận định thế nào về thị trường BĐS nước ta hiện nay?
Sự trầm lắng của thị trường BĐS nước ta hiện nay, nhìn một cách khách quan, chủ yếu cũng là do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế.
Lạm phát khiến chính sách tiền tệ ngày càng thắt chặt, chủ trương hạn chế đầu tư vào khu vực phi sản xuất được quán triệt mạnh mẽ... khiến nguồn vốn cho thị trường bất động sản ngày càng khó khăn.
Không có vốn, chủ đầu tư không dám tìm kiếm các dự án mới; thậm chí nhiều dự án đang triển khai cũng bị chậm tiến độ, dẫn tới mất lòng tin đối với người dân... Phân khúc bất động sản “hạng sang” nhiều dự án đã hoàn thành tới 70, 80% nhưng đành “đắp chiếu” không thể bán được vì giá quá cao, người có nhu cầu thực sự thì không đủ tiền mua, kẻ đầu cơ thì đang tính toán lại danh mục “lướt sóng” một cách cẩn trọng.
Như vậy, nếu nguồn vốn được khơi thông, thì “băng giá” trên thị trường cũng sẽ tan nhanh. Bởi trên thực tế, nhu cầu nhà ở trong dân là có thật, và vẫn rất lớn. Còn đối với các nhà đầu tư, BĐS vẫn là kênh “hái ra tiền”, bởi về bản chất, giá trị đất đai, nhà cửa chưa bao giờ suy giảm so với các hàng hóa khác.
Tôi cho rằng, thị trường đang nguội, nhưng chỉ là “tạm thời”, bởi vì có những thời điểm trước đây, thị trường gần như đã “đóng băng”, nhưng chỉ cần một vài động thái “khơi thông” dòng vốn, một vài lực đỡ từ chính sách kích cầu, lập tức đã “hâm nóng” trở lại. Thậm chí, nhiều “cơn sốt” đã diễn ra ngay sau thời kỳ băng giá...
Vậy, theo ông lúc này chúng ta cần phải làm gì để “hâm nóng” thị trường?
Theo tôi, khó khăn của thị trường BĐS hiện nay chỉ mang tính tạm thời, những nhà làm chính sách, cũng như các nhà đầu tư không nên quá vội vàng. Không cần thiết phải lập tức tìm mọi giải pháp, và đầu tư bằng mọi giá khi thị trường chưa hội đủ các yếu tố “cần và đủ”.
Ví dụ, nếu chúng tôi có cố gắng xoay xở vay vốn ngân hàng, nhưng với mức lãi suất ngất ngưỡng như hiện nay, trong khi giá cả vật liệu thì tăng cao, lòng tin của người dân vào BĐS thì chưa được củng cố... Mỗi một dự án nhỏ cũng ngốn mất mấy tỷ đồng tiền lãi một tháng, thì thực sự là đầu tư mạo hiểm.
Thị trường bao giờ cũng phát triển theo quy luật, có thăng và có trầm, đây chính là thời điểm thị trường BĐS cần một “khoảng lặng” để suy ngẫm... Các nhà quản lý cần có thời gian hoạch định lại những chính sách vĩ mô để phù hợp với bối cảnh mới, chủ đầu tư cần có thời gian để tìm kiếm cơ hội, tái cấu trúc lại danh mục và cách thức đầu tư. Đặc biệt, người dân cũng cần có thời gian để lấy lại niềm tin vào thị trường BĐS, tiếp tục coi đây là kênh “trú ẩn” an toàn cho tài sản cá nhân trước những biến động khó lường của kinh tế trong nước và thế giới...
“Khoảng lặng” này theo ông cần mất bao nhiêu thời gian?
Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng thị trường có thể ấm lên, và có thể sẽ thực sự sôi động trở lại vào cuối năm nay khi mà chúng ta ổn định được kinh tế vĩ mô, hoặc cũng có thể là từ 1 đến 3 năm nữa... Vấn đề là chúng ta không đánh mất niềm tin, vì BĐS vẫn là kênh đầu tư tiềm năng...
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyên Hương Tam nhin