Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Đà Nẵng được các doanh nghiệp đánh giá cao về năng lực cạnh tranh

PDF.InEmail

Sáng 16/3, tại Hà Nội, báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 chính thức được công bố. Báo cáo xếp hạng PCI 2010 thể hiện quan điểm của 7.300 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam tham gia khảo sát.Chỉ số PCI là thành quả của sự hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (USAID/VNCI.

Theo kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2010, thành phố Đà Nẵng là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh. Xếp thứ 2 là tỉnh Lào Cai và thứ 3 là Đồng Tháp. Hai trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng lần lượt là 43 và 23. Các tỉnh xếp cuối cùng là Đắk Nông, Sơn La và Hưng Yên.

Theo ước tính của VCCI, đã có khoảng 20 địa phương ban hành văn bản triển khai chương trình cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh mình. Tại một số địa phương, các chương trình này có kết quả, nhưng ở số tỉnh thành khác, thời gian để cảm nhận được những chuyển biến tích cực có thể lâu hơn.

So với năm trước, cộng đồng doanh nghiệp năm 2010 ghi nhận những cải thiện nổi bật trong lĩnh vực đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo lao động tại tỉnh trung vị tăng đều từ 35,2% năm 2008 lên 45,45% năm 2009 và 46,99% năm 2010.

Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm không tăng, ở mức gần 40% nhưng chất lượng của dịch vụ giới thiệu việc làm đã được cải thiện khi có đến 62,5% doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ này cho biết có kế hoạch tiếp tục sử dụng, so với 27,78% của năm 2009.

Đây là những thay đổi rất tích cực, đặc biệt khi doanh nghiệp phàn nàn nhiều nhất về chất lượng lao động thấp đã cản trở việc cải tiến và nâng cấp công nghệ.

Với các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin kinh doanh tăng từ 60,36% năm 2009 lên 64,35% năm 2010. Số lượng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ do khu vực tư nhân cung cấp cũng tăng, đặc biệt là chất lượng được cải thiện hơn khi có một nửa trong số các doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ cho biết sẽ tiếp tục sử dụng, so với tỷ lệ 16,44% năm 2009.

Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khác như tìm kiếm đối tác, xúc tiến thương mại và triển lãm thương mại hay các dịch vụ liên quan đến công nghệ tăng tương ứng ở mức 3,18%, 3,16% và 2,63%.

Trong khi đó, gia nhập thị trường là lĩnh vực có sự thay đổi lớn nhất qua các cuộc điều tra PCI trước đây, trong giai đoạn 2006-2009, thời gian đăng ký kinh doanh trung bình đã giảm một nửa. Tuy vậy, sang năm 2010, quá trình cải cách này có xu hướng chững lại, số ngày doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới, hay đăng ký sửa đổi đều dừng ở mức của năm 2009 với lần lượt là 10 ngày và 7 ngày.

Số giấy tờ doanh nghiệp phải nộp bổ sung tăng lên và kết quả là tỷ lệ doanh nghiệp ở tỉnh trung vị phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành các thủ tục pháp lý cho việc chính thực hoạt động đã tăng từ 19,35% năm 2009 lên 24,39% vào năm 2010. Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng tăng từ 4,44% lên 5,77% trong cùng thời gian trên.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực có chuyển biến chưa thật rõ nét tại điều tra PCI năm nay, bao gồm tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, chi phí không chính thức. Đáng lo ngại là các lĩnh vực chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, tính minh bạch và chi phí thời gian có xu hướng giảm điểm.

Điều này cho thấy gánh nặng về tuân thủ các quy định pháp lý ngày càng tăng đối với doanh nghiệp. Điểm số về tính minh bạch giảm mạnh so với năm trước gây khó khăn cho các quyết định đầu tư trong tương lai của doanh nghiệp.

Cụ thể là chỉ số tính minh bạch thể hiện sự sụt giảm mạnh. Kết quả điều tra năm 2010 cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu của chỉ số tính minh bạch đều sụt giảm so với năm 2009. Khả năng tiếp cận tài liệu kế hoạch cũng như văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh đều có xu hướng giảm.

Chỉ số PCI cũng là một kênh thông tin hữu dụng giúp các doanh nghiệp lựa chọn đại điểm đầu tư hoặc cân nhắc khả năng mở rộng sản xuất và kinh doanh để đạt hiệu quả mong muốn. Do vậy, trong những năm gần đây chỉ số PCI đã góp phần quảng bá đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngọc Khánh - Báo Giáo dục và Thời đại

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 268 khách Trực tuyến