Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Đà Nẵng, Nông dân và tái định cư - Nhanh nhạy chuyển đổi

PDF.InEmail

altCũng ở khu vực phía Nam thành phố, tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, nhiều hộ nông dân đã chuyển mình mạnh mẽ sau khi Nhà nước thu hồi đất ở hoặc đất nông nghiệp. Việc nhanh nhạy thích ứng với môi trường đô thị cũng như những cách làm ăn mới đã giúp không ít hộ dân ở xã Hòa Châu trở thành những thương nhân làm ăn giỏi.

 

Thở phào khi thoát khỏi cảnh “chân lấm tay bùn”

 

Với nụ cười rạng rỡ, chị Ngô Thị Ánh Nguyệt, một nông dân đích thực của xã Hòa Châu tự hào nói về chuyện kinh doanh, buôn bán của gia đình mình từ ngày xa rời đồng ruộng. “Ngay từ khi có quyết định kiểm định đất đai, ruộng vườn là chồng tôi đã đi học lái xe. Rồi vợ chồng mượn thêm tiền, mua xe trả góp về chuyên chở vật liệu xây dựng, sau 1 năm thì trả xong nợ. Lúc trước nhà có mấy sào ruộng, hai vợ chồng làm nông hết nhưng chừ buôn bán khỏe hơn nhiều. Bình quân mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng”, chị Nguyệt tâm sự. Theo chị Nguyệt, so với hồi làm nông thì bây giờ cuộc sống đỡ vất vả hơn, thu nhập cũng nhiều hơn. Ngoài ngôi nhà đang ở với diện tích đất 100m2, vợ chồng chị còn có thêm 1 lô đất khác, coi như của để dành. Chị nói: “Trước đây làm nông tuy chi phí ít nhưng sống chật vật, cực hơn bây chừ. Giờ buôn bán cần vốn nhiều nhưng thu nhập cao hơn làm nông. Chi phí sinh hoạt trong gia đình cũng trang trải đủ”.

 

Sự nhanh nhạy của người nông dân này còn khiến chúng tôi ngạc nhiên khi chị kể thời gian vừa rồi, kiếm được vài chục triệu đồng từ chuyện môi giới bán đất. Theo anh Ngô Văn Lâu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Châu thì sau giải tỏa, ở Hòa Châu cũng có nhiều gia đình chuyển đổi sang kinh doanh, buôn bán và làm ăn rất hiệu quả tương tự như gia đình chị Nguyệt. Sắp tới, xã còn tổ chức tuyên dương những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, trong đó, nhiều người khấm khá lên từ sau giải tỏa. Anh Lâu cho biết: “Một số gia đình sau giải tỏa đã chuyển sang may gia công, buôn bán, kinh doanh, làm mộc. Nhờ có việc xây dựng nhà ở mà nhiều người đi làm phụ hồ cũng kiếm được vài trăm nghìn một ngày. Hộ nào còn ruộng thì chỉ làm phụ thêm thôi, chứ thu nhập chính vẫn là làm dịch vụ, lao động phổ thông, rảnh ra thì họ đi phụ hồ, buôn bán thêm. Đến mùa thu hoạch thì tập trung làm vài ngày là xong”.

 

Anh Phùng Kiệm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu khẳng định: “Nói thiệt chứ nhiều người cũng mong giải tỏa để thoát khỏi cảnh làm nông, chứ bây giờ thời tiết thất thường, thu nhập từ làm nông không đáng bao nhiêu, lại bấp bênh hơn là làm dịch vụ”. Từ thực tế ở xã Hòa Châu cho thấy, phần lớn nông dân vùng giải tỏa muốn sử dụng tiền đền bù để làm việc khác, hiệu quả hơn là bám đồng bám ruộng. Việc hình thành khu dân cư mới với lượng dân tập trung hơn, nhà cửa đông đúc hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở ra các dịch vụ kinh doanh, buôn bán. Và rõ ràng, thu nhập vài triệu đồng một tháng là điều bình thường đối với nhiều hộ dân ở xã Hòa Châu sau giải tỏa.

 

Cần sự hỗ trợ mang tính bền vững, lâu dài

 

Theo anh Phùng Kiệm, ở Hòa Châu vẫn còn khá nhiều nông dân trên 60 tuổi sau giải tỏa thì không biết làm gì để kiếm sống, ngoài số tiền đền bù đang gửi ngân hàng. “Độ tuổi này nếu còn ruộng đất thì lại là lao động chính trong gia đình bởi họ vẫn khỏe mạnh và gắn bó với nghề nông. Nếu học nghề thì với khả năng của họ sẽ khó tiếp thu, do vậy, chính quyền địa phương cũng đang tìm cách để giúp đỡ các đối tượng này. Còn với các đối tượng dưới 60, nhất là từ 40 đến 55 tuổi thì họ chủ động mở ra buôn bán, đi làm cho nhà máy, xí nghiệp hoặc phụ hồ, làm thợ mộc, may mặc…”, anh Kiệm cho biết thêm.

 

Trong thời gian qua, Hội Nông dân thành phố cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm trợ giúp các đối tượng nông dân bị ảnh hưởng bởi việc giải tỏa. Theo đó, chủ yếu là hướng dẫn, hỗ trợ họ cách thức chuyển đổi mô hình làm kinh tế. Thay vì bám ruộng đồng thì chuyển sang những hình thức làm nông khác đơn giản và phù hợp với môi trường đô thị hơn như làm nấm rơm, trồng rau mầm, trồng hoa, cây cảnh… Hội Nông dân Hòa Châu cũng phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ bà con phương thức làm ăn.

 

Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Văn Lâu, nhiều nông dân đã lớn tuổi nên việc tiếp thu kiến thức mới không dễ, muốn giúp họ chỉ có cách “cầm tay chỉ việc”. “Mình giúp họ hướng đi nhưng quyết định là ở người nông dân”, anh Lâu khẳng định.

 

Không thể phủ nhận quá trình chỉnh trang đô thị đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nông dân. Sẽ có một bộ phận nông dân gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình chuyển đổi từ đời sống nông nghiệp sang môi trường đô thị, nhưng đây là điều tất yếu của quá trình phát triển. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố luôn cam kết “Không để người dân vì giải tỏa mà nghèo đi”. Cam kết này đi kèm với hàng loạt chương trình trợ giúp nông dân chuyển đổi ngành nghề, vay vốn làm ăn kinh doanh, đào tạo và giới thiệu việc làm… Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng chuyển đổi của người nông dân thì những chương trình hỗ trợ mang tính lâu dài, bền vững của chính quyền là rất quan trọng. Và một khi chất lượng sống của người nông dân được nâng lên thì đó là minh chứng cho những chính sách đúng đắn mà thành phố Đà Nẵng thực hiện trong thời gian qua.

 

Theo Báo Đà Nẵng


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 337 khách Trực tuyến