Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh: "Hãy xứng đáng với thành phố anh hùng"

PDF.InEmail

altNgày 24-2 vừa qua, tại Cung Thể thao Tiên Sơn, trước hơn 4.000 cán bộ từ cấp xã, phường đến thường vụ thành ủy, trước đông đảo cán bộ quản lý các cấp, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố có buổi nói chuyện quan trọng. Thể theo đề nghị của nhiều bạn đọc, nhất là bạn đọc không có dịp theo dõi trực tiếp truyền hình, Báo Đà Nẵng trân trọng đăng lược ghi buổi nói chuyện của đồng chí Bí thư.

 

Trước hết xin thông báo các đồng chí 2 tin vui và 1 tin buồn. Tin vui thứ nhất là đội pháo hoa của Đà Nẵng được Canada mời trình diễn tại lễ hội ánh sáng tại Vancouver trong năm nay. Tin thứ hai, là ca sĩ Quang Hào vừa hát phục vụ các đồng chí cũng xin đầu quân về làm công dân thành phố Đà Nẵng, chắc là Đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng sẽ sôi động hơn. Ca sĩ Quang Hào cũng là người con của QN-ĐN và vợ của ca sĩ cũng là người con của QN-ĐN, 2 anh chị lâu nay công tác tại Hà Nội, bây giờ thấy Đà Nẵng hấp dẫn cho nên về đầu quân với Đà Nẵng.

 

Còn tin buồn là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP. Đà Nẵng từ vị trí 1 rớt xuống vị trí thứ 5 sau 3 năm liên tiếp đứng Nhì, và sau 3 năm liên tiếp đứng thứ Nhất, bây giờ tụt khỏi tốp 3 dẫn đầu, tụt xuống đứng thứ Năm. Trong đó có 2 chỉ tiêu quan trọng: một là, sự hỗ trợ doanh nghiệp tụt điểm và hai là, đào tạo lao động cũng tụt điểm. Như vậy, có thể nói rằng tổ chức khảo sát do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kết hợp với phía đối tác Hoa Kỳ tổ chức, lần này chấm tụt xuống như thế cũng khá chính xác. Lẽ ra còn tụt hơn nữa. Vô địch 3 năm liền, mà hạ xuống nữa thấy cũng khó coi nên có thể người ta còn châm chước. Lãnh đạo Ủy ban các năm trước rất chú ý về chỉ số này. Giai đoạn cuối năm, do chuẩn bị chuyển giao lãnh đạo Ủy ban tốn nhiều thời gian nên thiếu sự chú ý cần thiết. Mặt khác, mấy năm vừa rồi tình hình kinh tế khó khăn, nhưng UBND thành phố không có động thái hỗ trợ đúng mức cho các doanh nghiệp, ngoài một số ít được vay vốn ưu đãi để tham gia xuất khẩu còn lại cũng không hỏi thử sống chết ra sao. Cho nên họ theo dõi kỹ và họ chấm tụt điểm, tụt đến mấy điểm nữa. Thứ hai là về đào tạo lao động làm cũng chưa đạt yêu cầu.

 

alt

 

Nhiều đồng chí bảo lâu rồi không thấy đồng chí Bí thư Thành ủy gặp đông đảo các đồng chí để mà nói chuyện về tình hình chung của thành phố, để cung cấp thông tin về Đà Nẵng đang mạnh cái gì và đang yếu cái gì để chúng ta cùng chung tay xây dựng một cái thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại hơn.

 

Buổi nói chuyện hôm nay của tôi có 2 phần: 1) Về những công việc của thành phố, mặt mạnh, mặt yếu của thành phố hiện nay để các đồng chí có thêm thông tin; 2) Những nét lớn của Nghị quyết Trung ương 4 và một số vấn đề về công tác cán bộ của thành phố.

 

Mười lăm năm qua, một thời gian không dài so với lịch sử thành phố, chúng ta đã làm được khá nhiều việc. Nhưng nghiêm túc nhìn lại vẫn còn điều gì đó chưa được “sướng” lắm, chưa được vui lắm. Giá như chúng ta cố gắng lên tí nữa, mỗi người, mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi đơn vị cố gắng lên tí nữa, ráng lên tí nữa, trọn vẹn hơn tí nữa thì Đà Nẵng sẽ hấp dẫn hơn.

 

Những việc không vừa ý đập ngay vào mắt. Đi từ Cẩm Lệ xuống đây là bắt đầu thấy điều bất cập. Có ngôi nhà mới làm gần đường qua cầu Hòa Xuân nhô ra một tí, sau này làm sao mà chỉnh trang được? Đi thêm đoạn nữa thấy mấy thùng rác nứt, nước chảy ra nhầy nhụa. Thêm đoạn nữa thấy khu vực đối diện Cung Thể thao Tiên Sơn, khu đất trống từ phía Nam ra, cần thông thoáng để còn nhìn qua bán đảo Sơn Trà, nơi mỗi đêm về điện sáng lung linh từ chân lên đỉnh núi, ai soạn ra trồng mấy cây cảnh che mất. Chỗ đó đâu phải làm vườn ươm mà trồng lung tung vậy? Đi đoạn nữa rẽ qua phía bên kia đường Hồ Xuân Hương - Lê Văn Hiến điện tối mù mù, bùng binh phía bên này cũng vậy, điện không bảo đảm ánh sáng dễ gây tai nạn giao thông. Đi ra đường Nguyễn Tất Thành, con đường ven biển có thể nói dài nhất, đẹp nhất Việt Nam hiện nay mà mấy vòm sắt trang trí giữa vệt phân làn để rét rỉ thảm não mà chẳng có ai để ý sơn lại cho đẹp. Du khách đến Đà Nẵng ai cũng thích bánh tráng cuốn thịt heo, vì nó ngon và hấp dẫn. Gần đây, chẳng hiểu vì sao thịt toàn thấy nạc, chả thấy thịt mỡ. Cái độc đáo của thịt heo cuốn bánh tráng Đà Nẵng là 2 đầu lát thịt có mỡ, chính giữa là nạc. Quán xá làm ăn như vậy là làm mất thương hiệu Đà Nẵng.  

 

Cái được lớn nhất: Lòng dân


Các đồng chí theo dõi cả khu vực suốt 19 tỉnh, thành ở khu vực miền Trung chỉ có mỗi Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương. Địa thế Đà Nẵng rất hấp dẫn, núi có, đồng bằng có, sông cũng có, biển cũng có. Thuận lợi là nằm trung độ cả nước, bay đến Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng  chỉ 1 giờ bay. Đà Nẵng là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây, có cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế, nằm trên trục đường sắt, đường bộ Bắc Nam, nằm giữa lòng các di sản văn hóa thế giới. Từ Đà Nẵng đi Huế, Phong Nha, Hội An, Mỹ Sơn rất gần, xa nhất cũng không quá 200 km. Rất thuận lợi cho vấn đề phát triển du lịch. Tiềm năng du lịch của chúng ta cũng rất độc đáo như Bà Nà, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, vịnh Đà Nẵng, biển Mỹ Khê, và thành phố Đà Nẵng đang là thành phố môi trường, được công nhận là 1/10 thành phố môi trường năm 2011 của các nước ASEAN. Thành phố đang xây dựng sáng - xanh - sạch - đẹp.

 

alt

 

Thành phố vừa qua ban hành nhiều chính sách mang đậm tính nhân văn. Có đội ngũ cán bộ khá mạnh. Chúng ta 3 năm đứng nhì, 3 năm đứng nhất liên tục về PCI, dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT. Thành phố Đà Nẵng thời gian qua tạo ra được sự đồng thuận trong Đảng, trong xã hội; phấn đấu vươn tới không còn là khẩu hiệu nữa. Chúng ta đã thực hiện với trách nhiệm cao nhất phương châm: Đảng nói: dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động: dân theo;  Chính quyền làm: dân ủng hộ!


Cho nên cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là được lòng dân. Tuy còn vấn đề này, vấn đề khác nhưng về cơ bản là chúng ta tạo được sự đồng thuận trong dân. Và Đà Nẵng cũng đã để lại ấn tượng tốt đẹp với nhiều người, bằng nhiều việc làm, nhiều chương trình hành động của mình. Đó là thành phố tập trung để có một quy hoạch tốt. Nhiều người đánh giá cao quy hoạch Đà Nẵng, thậm chí người ta còn hỏi là nước nào quy hoạch cho Đà Nẵng, họ không nghĩ rằng chính những người Đà Nẵng đã làm ra quy hoạch Đà Nẵng như hiện nay.

 

Chúng ta cũng là địa phương làm tốt công tác giải tỏa, tái định cư nhiều nhất. Hơn 10 năm qua, đã đụng chạm đến hơn 97 nghìn hộ dân. Gần như xới tung cả thành phố để  mở mang, phát triển, chỉnh trang đô thị. Đà Nẵng cũng thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khi đời sống còn khó khăn, chúng ta đã vận động xin dân từng mét vuông đất để mở rộng đường sá. Dân hiến đất không phải đền bù. Chúng ta có chương trình “5 không”, “3 có” độc đáo. Trong một thời gian không dài làm nhiều cầu nhất. Chúng ta có cầu quay Sông Hàn thuộc loại độc nhất vô nhị. Sắp tới, cầu Rồng cũng độc đáo. Đà Nẵng được công nhận thành phố sạch và trật tự nhất. Lễ hội pháo hoa hoành tráng nhất, cáp treo dài nhất, tượng Phật to nhất, Bệnh viện Phụ nữ hình thành sớm nhất, Bệnh viện Ung thư quy mô hiện đại đầu tiên của Việt Nam cũng sẽ đưa vào khánh thành năm nay. Cung Thể thao Tiên Sơn cũng là loại lớn và đẹp nhất Đông Nam Á.

 

Bảo tàng Điêu khắc Chăm là độc nhất vô nhị trên thế giới. Ai muốn nghiên cứu lịch sử Chămpa, thì có tượng đá, sắp tới có tượng ngọc, tượng vàng... Tượng đó là hiếm có. Các nước phương Tây mỗi lần triển lãm về văn minh con người phải mượn của Đà Nẵng. Hiện chỉ có Đà Nẵng là có Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bóng đá thuộc loại mạnh nhất. Bây giờ thì chưa nhất nhưng mấy năm trước có lúc 1 năm đoạt đến 5 cái cúp vô địch. Lo Tết cho dân cũng thuộc loại chu đáo nhất. Tất nhiên là chưa thỏa mãn lắm nhưng với việc lo cho đối tượng chính sách, người nghỉ hưu, giáo viên, cán bộ, công chức cho đến người lao động xích lô, xe thồ... mọi người đều được chăm lo, hỗ trợ. Đó là một cố gắng lớn. Đối thoại với các chức sắc tôn giáo, với báo chí, với nhân dân; hoàn thành chương trình mổ tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo sớm nhất, chuẩn bị có Bệnh viện Sản - Nhi thuộc loại lớn nhất nước; có quỹ vay vốn hoàn lương cũng đặc biệt nhất, lo cho phụ nữ nghèo nhiều nhất, có chương trình chạy thận nhân tạo miễn phí cũng thuộc loại độc đáo nhất. Còn những việc “lẻ tẻ” như: dẹp nạn đua xe sớm nhất, dẹp nạn ăn xin lang thang, gặp gỡ mấy ông chồng đánh vợ, bữa nay cũng đỡ đi nhiều; cảm hóa thiếu niên hư; thi tuyển công chức; hoàn thành Trường chuyên Lê Quý Đôn, không thu tiền giữ xe bệnh viện, không thu thuế mặt bằng, một số thuế khác...; cấp nhà cho không đối với hơn 300 hộ nhà chồ; Đà Nẵng đang được xem là nơi ít chặt chém nhất; giữ xe tắm biển, tắm nước ngọt, ăn hải sản rẻ nhất Việt Nam hiện nay.

 

Tất cả những việc vừa nêu dần dần qua năm tháng đã tạo nên thương hiệu Đà Nẵng. Thành phố ngày càng có sức hấp dẫn, lôi cuốn hơn. Nhiều khách gần xa họ muốn đến Đà Nẵng xem thử Đà Nẵng phát triển như thế nào. Chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu đó.

 

Điểm yếu của Đà Nẵng?


Điều này do tự nhiên sinh ra chứ ta không muốn. Đà Nẵng xa các trung tâm lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Nếu Đà Nẵng để gần Bình Dương thì câu chuyện sẽ khác, gần Hà Nội sẽ khác. Nhưng chúng ta ở khu vực miền Trung. Mà các đồng chí biết, thế mạnh con người miền Trung là gan góc, kiên cường, anh hùng, dũng cảm, hiếu học, nhưng tính hợp tác hơi thiếu. Vùng Đồng bằng Bắc Bộ tụ lại Hà Nội, Hải Phòng; Nam Bộ tụ về thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ nhưng ở Đà Nẵng làm một vệt dài từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Địa phương nào cũng có cảng biển, sân bay,... không phải dễ gì tụ lại Đà Nẵng. Vừa rồi, có người gọi điện bảo anh em trong khu vực (miền Trung) phải làm cái gì đó. Nghe thì dễ nhưng khi làm mới thấy khó. Dịp pháo hoa, mời hết lãnh đạo các tỉnh trong khu vực bàn hợp tác trong vùng, hồ hởi phấn khởi, nhưng ngay buổi họp đầu tiên vắng mấy tỉnh. Cực chi mà cực! Thiên tai, khí hậu khắc nghiệt, nhờ trời đất, 5 năm qua chưa có trận bão, lụt nào lớn vào Đà Nẵng. Bão tha được 5 năm.

 

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cây xanh rất đẹp, mà Đà Nẵng không được như vậy là do bão nhiều quá. Dành mấy năm, chắt chiu từng cây một, từng con đường một, bão làm một trận, tiêu điều. Rồi con người, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở Đà Nẵng, nhà đầu tư vào tìm một người nói tiếng Anh giỏi thì tìm được nhưng người nói tiếng Anh giỏi và làm kế toán giỏi thì tìm đỏ con mắt không ra. Phải kêu Sài Gòn, Hà Nội chi viện. Ông giỏi tiếng Anh thì không biết kế toán, ông biết kế toán thì học miết tiếng Anh không ra. Khó khăn như thế!

 

Dân số chúng ta ít. Dân số khoảng 2 triệu người thì thành phố  này sẽ sôi động hơn. Dân số ít làm gì cũng khó. Tuyển lao động khó, đến xem bóng đá hay thì mới đi đông, và có khán giả đông, cầu thủ mới đá hay được. Ca sĩ ít khán giả, đá bóng ít người xem thì không hay. Vì vừa hát, vừa đá nhưng cũng vừa dòm chừng xem khán giả có vỗ tay hay không nữa!

 

Chúng ta không có những ngành công nghiệp mũi nhọn, những dự án lớn. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng đội ngũ cán bộ, nhìn chung chưa theo kịp yêu cầu phát triển của thành phố. Bởi vì chung quanh chúng ta, phía trước là biển Đông, sau lưng là rừng núi, chung quanh ta là những địa phương cũng “bình bình” như Đà Nẵng, chứ không xuất sắc nên dễ sinh tâm lý ỷ lại, thỏa mãn trong cán bộ. Có bài hát “Đà Nẵng tình người” cứ hát đi, hát lại mãi. Không chịu khó nhìn ra. Thủ đô Hà Nội với Nhớ mùa thu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với Tiếng hát từ thành phố mang tên Người, Hải Phòng có Thành phố hoa phượng đỏ, Nha Trang có Nha Trang mùa thu lại về... Nó hay, nó đi vào lòng người một cách tự nhiên. Nếu Đà Nẵng giỏi thì thử có bài nào hay hơn “Đà Nẵng tình người” đi. Văn thơ nhạc họa phải cần cảm hứng và cảm xúc. Sông Hàn về đêm rất đẹp, nhất là vào những đêm trăng, đúng là không nơi nào có được, nhưng vì sao không thể ra thơ, ra nhạc một cách ấn tượng? Đúng là yếu thật.

Trên đây là những điểm chính, chứ còn đi vào chi tiết thì còn rất nhiều thứ nữa. Như tôi nói ban nãy, nhìn chung chúng ta làm rất tốt, không có khuyết điểm lớn, nhưng tuyệt đối không được thỏa mãn. Đi vào từng đơn vị là có vấn đề. Mỗi cơ quan, mỗi đơn vị, mỗi cán bộ lãnh đạo phải nghiêm khắc nhìn nhận, tự đánh giá các mặt yếu của chính bản thân và cơ quan mình.

 

Yêu cầu mới của năm 2012


Trước hết về công tác cán bộ. Đề nghị Ban Tổ chức Thành ủy xem xét, tham mưu việc chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy trong nhiệm kỳ tới (2016-2020), bởi chỉ còn hơn 2 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX. Các chức danh chủ chốt từ Bí thư, Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố... đến giám đốc các sở, trưởng các đoàn thể, Bí thư các Đảng bộ trực thuộc, Chủ tịch UBND các quận, huyện. Mỗi chức danh cần quy hoạch từ 2-3 người; ít nhất là phải 2 và không làm lấy được. Quy hoạch tại chỗ hoặc lấy từ chỗ khác cũng được, miễn là phải có trên 1. Công khai hóa trong toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân biết quy hoạch để theo dõi, giám sát và thi đua với nhau. Chứ quy hoạch một người thì giống như con một trong nhà, dễ sinh chuyện. Người nào tốt nhất thì chọn, phải có cạnh tranh. Nhiệm kỳ đến, quy hoạch Chủ tịch UBND thì “ứng viên” sẽ trình bày đề án, nếu  trúng cử chủ tịch UBND sẽ làm, ví dụ 3 vấn đề sau đây: 1, 2, 3... Vấn đề gì là trọng tâm, vấn đề gì là cấp bách, nạn kẹt xe, ngập nước hay ô nhiễm môi trường. Cách làm và tiền ở đâu ra để làm... Rồi người dân, cán bộ quan sát, bản thân công tác như thế nào, vợ con như thế nào, thư ký riêng ra sao rồi họ cầm lá phiếu họ chọn. Bây giờ thì chưa được phép, tương lai đến lúc Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cũng ra tranh cử. Tôi tin là như thế, hồi nào đến thì hẵng hay, chứ không phải hôm nay tôi cầm đèn chạy trước ô-tô đâu. Hướng đến chính quyền đô thị phải thế, toàn dân bầu, ra tranh cử, anh nào được thì anh đó làm, có quyền đề cử, chọn phó chủ tịch. Tranh cử chứ không phải bầu khu vực như hiện nay. 

 

alt

 

Dồn sức cho công tác giải tỏa, đền bù, phấn đấu đến năm 2014 hoàn thành việc giải tỏa đền bù, tái định cư, lúc đó ở đâu yên đó chứ không còn quy hoạch, giải tỏa, xáo trộn nữa.

 

Dồn sức đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các công trình trọng điểm, gồm 12 công trình. Trong đó khánh thành và đưa vào sử dụng cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Tri Phương vào ngày 29-3-2013; đưa Bệnh viện Ung thư hoạt động vào tháng 9-2012; Trung tâm Hành chính thành phố hoạt động cuối năm 2013, tất cả các sở, ban, ngành, UBND thành phố làm việc trong tòa nhà này. Nhiều lúc cần hội ý giữa 2-3 giám đốc sở với Chủ tịch UBND thành phố thì bấm nút hiện lên màn hình trao đổi với nhau, không phải mỗi việc mỗi họp. Chủ tịch UBND muốn theo dõi hoạt động của sở thì ấn nút hiện lên màn hình. Các sở không còn xe riêng của Sở, mà có đội xe chung. Muốn xe gì đáp ứng xe đó nhưng đi đâu ghi sổ hết. Khi đó muốn đi chơi cũng không được nữa, bởi vì xe ra khỏi cơ quan đều được ghi vào sổ theo dõi. Sở nào tiết kiệm được cuối năm thưởng.

 

Triển khai khu siêu thị, thương mại mua sắm tại sân vận động Chi Lăng; chuẩn bị địa điểm xây dựng Nhà hát lớn, Nhà văn hóa Thiếu nhi, Thư viện. Cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được giữ và nâng cấp thành cầu đi bộ và sẽ có thêm 1 cầu dành cho người đi bộ nối từ đường Đống Đa - Bạch Đằng vắt qua sông Hàn đến đường Trần Hưng Đạo. Cầu đi bộ rất khó thiết kế, nhưng phải làm để ban đêm khách ra ngắm dòng sông, ngắm hai bên thành phố.  

 

Tập trung cho Khu Công nghệ cao, CNTT tập trung, cơ sở 2 Công nghệ phần mềm.


Khơi thông sông Cổ Cò nối Đà Nẵng với Hội An bằng đường thủy. Du khách từ Hội An ra cập cảng sông Hàn, cả ngày lẫn đêm. Sở VH-TT&DL phải xem xét chính sách hỗ trợ thực hiện, đóng tàu, ẩm thực trên tàu, ca nhạc trên tàu, nếu không chuẩn bị từ bây giờ là thất bại. Làm cho sông Hàn sôi động về đêm, để khách vui chơi, đi lại trên sông nước.

 

Xây dựng bãi đỗ xe ngầm; không thể phạt dân được khi Nhà nước chưa tổ chức được những bãi giữ xe thì họ bí quá phải đậu lung tung, chứ biết đậu đâu bây giờ. Làm những hầm để xe, lúc đó ai không xuống thì mới phạt, trong năm nay quy hoạch và sớm triển khai.

Xây dựng nhà vệ sinh công cộng; trường du lịch quốc tế; hình thành hệ thống sân golf, khu vui chơi, giải trí, ẩm thực... phục vụ du lịch. Khuyến khích hình thành các khu ẩm thực, phải tăng bàn chơi bài trong khu vui chơi giải trí dành cho người nước ngoài.

 

Đưa hình ảnh Đà Nẵng lên sóng vệ tinh. Ở Đà Nẵng, bật TV thấy nhiều đài địa phương khác, nhưng khi đi công tác xa, muốn xem hình ảnh Đà Nẵng lại tịt câm. Năm nay phải phấn đấu leo lên trên trời chiếu xuống, còn chương trình như thế nào phải lo. Sở VH-TT&DL có các đoàn, DRT có các phòng, ban, phấn đấu làm sao mỗi tuần, thứ bảy hằng tuần, người dân Đà Nẵng mở ra kênh DRT xem được một vở kịch vui, thư giãn. Chờ đợi sau cả tuần có vở gì mới. Khó lắm đấy nhưng cố gắng phấn đấu làm, đừng khô khan, mở TV thấy toàn họp miết, chỗ này họp, chỗ kia họp, phát chán. Phải có chương trình văn nghệ giải trí thật đặc sắc, cần kinh phí bao nhiêu thì báo cáo.

 

alt

 

Đôn đốc các nhà đầu tư đến đầu tư tại Đà Nẵng. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án bằng việc ký cam kết thực hiện, nếu không thì thu hồi, trả lại tiền theo giá thị trường. Đấu giá mãi cho tới khi có người mua, đem tiền đó trả lại cho nhà đầu tư trước đây, và giao đất lại cho người mới trúng làm. UBND thành phố chuẩn bị để tôi gặp từng nhà đầu tư và yêu cầu ký cam kết thời hạn triển khai.

 

Tổng rà soát hoạt động của các bãi tắm, từ vui chơi, giữ xe, cứu hộ, tắm nước ngọt, cái gì cần khắc phục để chuẩn bị cho mùa hè. Cứu hộ phải ở bên ngoài biển, cắm cờ không cho du khách ra khỏi khu vực; bảo đảm làm sao trên các bãi tắm của thành phố Đà Nẵng không có người bị chết đuối. Biển Đà Nẵng phải là nơi sạch nhất, đẹp nhất và an toàn.  

 

Chấm dứt hoạt động của Cảng Sông Hàn vào ngày 31-12-2012. Đến lúc đó nếu không di chuyển đến địa điểm mới thì cũng sẽ không hoạt động được. Sẽ không cho xe tải chạy trên những tuyến đường du lịch Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng... xe tải nào vào khu vực đó là phạt; khó khăn gì thì thành phố sẽ hỗ trợ, phối hợp để làm cho tốt, không có bàn lui, khu vực này phải làm cho đẹp lên.

 

Đẩy mạnh chương trình “3 có”, trong đó có nhà ở, đặc biệt là có việc làm; lần này kiên quyết khôi phục lại chợ việc làm. Mà làm cho có bài bản, hấp dẫn; kiểm tra lại các hộ nghèo, cấp thẻ cho hộ đặc biệt nghèo, phối hợp với các địa phương để xác nhận cho chính xác.

Xử lý chống ngập, ô nhiễm môi trường; giải quyết khiếu nại tố cáo kéo dài; cải cách thủ tục hành chính. Giải quyết khiếu nại tố cáo, sắp tới sẽ kiểm tra lại lần chót từng trường hợp, đối thoại lần chót, người nào sau khi thuyết phục, giải quyết thấu tình, đạt lý mà vẫn không chấp hành thì đưa ra dân kiểm điểm, làm cho anh thấy nếu quá bảo thủ, làm rối tình hình, không muốn xây dựng Đà Nẵng văn minh hiện đại, thì buộc phải có biện pháp thích hợp.

Triển khai khảo sát, thiết kế hệ thống tàu điện ngầm, giao thông nội thị. Có thể trước mắt xây dựng một ga tàu điện ngầm tại địa điểm trước Nhà hát Trưng Vương, chạy dưới đường Hùng Vương lên Lý Thái Tổ, ra Ngã ba Huế rồi đổ về 2 nhánh: Ngã ba Hòa Cầm và Liên Chiểu, tại chỗ này là lên khỏi mặt đất từ đó. Xây dựng tuyến này phải mất 5-7 năm chứ không phải sớm, nhưng bây giờ phải xúc tiến dần.

 

Quản lý tốt vấn đề nhập cư, đặc biệt lần này là củng cố hệ thống tổ dân phố, lập lại trật tự. Sắp tới sẽ đưa mức hỗ trợ cho tổ trưởng dân phố cao hơn hiện nay. Tổ trưởng sẽ là cánh tay nối dài của phường, kiểm tra xử phạt hành chính về tạm trú chứ không thả lỏng như hiện nay. Cải cách thủ tục hành chính. Củng cố đường dây nóng. Đường dây nóng hiện nay hoạt động có hiệu quả (05113.888.888) sẽ thông báo ở các địa điểm công cộng, ở vũ trường, quán bar, trên đường phố, trên báo để cho du khách nếu bị gây khó dễ, bị bắt chẹt thì gọi đường dây nóng. Bữa nay là nóng thực sự, có người trực 24/24 giờ và có phòng xử lý nhanh phối hợp với Cảnh sát trật tự Công an thành phố để giải quyết vấn đề.

Giảm tai nạn giao thông. Đề nghị Cảnh sát giao thông yêu cầu xe ben chạy chậm, không để đất đá đổ xuống đường. Kẻ vạch phân làn, bắt đầu từ ngày 1-4, xe nào lấn qua làn đường thì bị phạt; sẽ có mấy tuần hướng dẫn nhân dân đi đúng phần làn của mình. Kiểm tra mũ bảo hiểm.

Phát động chiến dịch làm sạch - đẹp thành phố, tập nếp mỗi sáng chủ nhật dành 30 phút để dọn dẹp vệ sinh từ trong nhà ra ngõ phố, bắt đầu từ  6 giờ sáng.

 

Tổng tấn công tội phạm, ma túy và cảm hóa, giáo dục thiếu niên hư. Qua theo dõi thiếu niên hư gặp gỡ trước đây, số tiến bộ chiếm 47%, còn lại chưa tiến bộ, phải gọi lại gặp để hỏi một lần nữa: có muốn vào các trại giáo dưỡng không? Để khi phải đưa đi trại thì đừng thắc mắc. Ai có con, cháu thì phải giáo dục, để nó hư làm rối xã hội thì phải bị cưỡng bức đi giáo dục, giáo dưỡng.

 

Giúp đỡ, hỗ trợ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Xóa dứt điểm hộ đặc biệt nghèo trong năm 2012.

Tổ chức tốt Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế và trình diễn dù bay quốc tế  năm 2012.

Khối lượng công việc đồ sộ như thế. Làm việc gì cũng khó, nhưng chịu khó tìm tòi và cố gắng thì sẽ làm tốt. Những việc tôi đang nói ở đây đều có lời giải. Mình tìm chưa ra thì nói khó, nếu tích cực tìm thì sẽ có lời giải hợp lý.

 

Về tổ dân phố, sắp tới gặp tổ trưởng tổ dân phố, tôi sẽ nói. Sẽ bắt đầu từ tổ dân phố, thôn. Nói không với ma túy, nhân dân thành phố không chích, không tàng trữ, sử dụng, buôn bán ma túy, bởi ma túy khiến thế hệ trẻ băng hoại, tội phạm cũng từ đây; không giết người, không cướp của, không trộm cắp, không cho vay nặng lãi, không tiêu thụ của gian, không lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không chơi cờ bạc số đề, không dùng hung khí đánh nhau, không bạo lực gia đình, không bảo kê đòi nợ thuê, không uống rượu bia khi lái ô-tô, xe máy, đi đúng phần đường... là việc từ tổ trưởng dân phố. Tôi mong dân chúng Đà Nẵng ý thức được rằng, tất cả mọi người đều có trách nhiệm trong việc xây dựng thành phố. Chúng ta mới có hòa bình chứ thực sự chưa có thái bình. Thái bình là phường trên xóm dưới yên vui, ngủ không sợ ăn trộm vào nhà, không có tội phạm, con người sống với nhau nhân ái, thủy chung, tình nghĩa.

 

Đạo đức xã hội bây giờ xuống cấp. Mỗi năm cả nước có tới 60 nghìn vụ ly hôn.Thầy trò, cha con, vợ chồng, anh em... cũng được tính toán bằng tiền! Xin việc: tiền! Các nước và Việt Nam trước đây thường học xong mới bổ ra làm quan. Hiện nay ở ta nhiều lúc làm quan rồi mới đi học, còn cả mượn người đi thi hộ nữa. Mình trọng ngày chết, họ trọng ngày sinh. Mình lo giỗ, một năm không biết bao nhiêu cái giỗ. Thi đấu họ quan tâm người vô địch thôi, còn mình phải giải nhất, giải nhì, ba, tư và còn phải giải khuyến khích, ai cũng có giải và ai cũng phấn khởi. Thành phố nước ngoài, họ thức khuya, dậy trễ, còn mình thì ngủ sớm và dậy sớm. Du khách đến mình đang ngủ, còn mình đem mấy cái loa ra hô “vươn thở” không cho ai ngủ. Họ thì đề cao vai trò cá nhân, còn mình thì đề cao vai trò tập thể. Cá nhân ra đó tranh cử, thi thố và nếu làm sai thì phải từ chức. Còn mình làm sai thì nhơn nhơn ra đó, tỉnh queo như không có vấn đề gì, hồi mô cách chức thì chịu, chứ bảo từ chức thì dứt khoát không từ. Ảnh nói có ai từ chức đâu mà tôi phải từ. Họ làm sai là từ chức, có lòng tự trọng lắm. Những giáo sư tên tuổi, nếu bảo ông cho tui thêm điểm rồi tui cho đô-la, cho cái đồng hồ đắt tiền thì còn lâu. Nên để ý một số nước, có thẩm phán 70-80 tuổi vẫn còn làm việc, bởi vì họ trọng chữ tín, uy tín tuyệt đối, quan tòa ngồi vào xử là họ có niềm tin “không mua được”. “Đạn” bắn không thủng. Họ làm sai thì từ chức, còn mình làm sai thì cùng lắm là kiểm điểm rút kinh nghiệm. Cho nên không có dây nào dài hơn dây kinh nghiệm, rút miết không bao giờ hết.

 

Họ coi trọng chất lượng còn mình coi trọng số lượng. Họ không quan trọng coi sống đến bao nhiêu tuổi, mà coi một ngày họ đã sống như thế nào. Chất lượng sống mình không quan tâm, mình khác người ta.

 

Về Nghị quyết Trung ương 4 và một số vấn đề về công tác cán bộ


Tháng 12-2011 vừa qua, BCH Trung ương  họp tại Hà Nội và ra Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Nghị quyết Đảng lần nào cũng quan trọng, song lần này đề cập một trong những vấn đề quan trong nhất, cốt tử nhất của xây dựng Đảng.

Trong quá trình cách mạng, Đảng ta thành lập từ năm 1930, trước đó là đầu rơi máu chảy, sau đó là tiếp tục máu chảy đầu rơi; bao nhiêu phong trào bị thực dân Pháp đàn áp, nhưng với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

 

Uy tín của Đảng đối với nhân dân là tuyệt đối. Đảng gắn bó máu thịt với dân, dân rất tin Đảng. Sau giải phóng miền Nam 1975, những người cộng sản Việt Nam do quá say sưa với chiến thắng, cứ tưởng chiến thắng ngoại xâm rồi thì các thứ khác mình cũng sẽ dễ dàng làm được; bắt đầu nảy sinh chủ quan, duy ý chí. Do say sưa với chiến thắng, Đảng bắt đầu buông lỏng sự lãnh đạo; chính quyền buông lỏng sự quản lý Nhà nước; cán bộ, đảng viên bắt đầu thoái hóa, biến chất. Những điều tiêu cực trước kia được coi là không bình thường thì nay dần dần trở thành bình thường.  

 

Năm 1986, tại Đại hội VI, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với những việc cần làm ngay sôi nổi. Đại hội đề ra đường lối đổi mới, đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng sau đó, cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình hình lại rơi vào tình trạng xuống cấp về sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, nhất là cán bộ đảng viên.

 

Như vậy suốt 5 nhiệm kỳ, kéo dài 25 năm, một chặng đường đủ để Hàn Quốc dư sức chuyển mình từ một nước nông nghiệp sang công nghiệp. Suốt 5 nhiệm kỳ vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được đề cập và hết sức quyết liệt, hô hào rất mạnh nhưng càng xây, càng ra nhiều nghị quyết thì tình hình càng xấu thêm, yếu kém và phức tạp hơn.

 

Đến Đại hội XI, với Nghị quyết Trung ương 4, cũng về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. Vẫn chủ đề đó, với những nhận định đó, song nhận thức và biện pháp tổ chức triển khai lần này có khác. Sau khi Nghị quyết này ra đời, có nhiều người phấn khởi, tin tưởng, nhưng không ít người hoài nghi, vì những nghị quyết cũng quyết liệt ban đầu sau phai dần. Họ nói nghị quyết nhưng quan trọng là ai làm?

Nghị quyết lần này có điểm mới: Đó là giải pháp tổ chức thực hiện. Các lần trước làm còn chung chung, toàn Đảng đưa ra làm, lần này khác là làm từ trên làm xuống, chứ không làm từ dưới lên. Thứ hai là không chỉ tự phê bình và phê bình, mà có gợi ý, góp ý trước khi phê bình, chứ không phải để tự anh nói ra cái gì thì nghe cái đó. Làm từ trên xuống, chứ không phải đồng loạt. Bắt đầu từ Tổng Bí thư, từ Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư tới từng đồng chí Ủy viên BCH TƯ chứ không kiểm điểm tràn lan. Nếu anh không nhận, không thấy thì có người chỉ ra chứ không giống các lần trước. Tôi tin sẽ có chuyển biến! Có 2 liều thuốc kháng sinh mạnh để chống lại sự suy thoái trong Đảng: một là Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác và hai là Nghị quyết TW 4.

 

Về công tác cán bộ


Bây giờ chúng ta còn đang làm việc, tùy theo khả năng mà được bố trí chức vụ, nhiệm vụ khác nhau, nhưng điều có ý nghĩa là đến khi nghỉ hưu ta nhìn bạn bè, đồng nghiệp, cuối cùng xem lại mình đã làm được những việc gì, chứ không phải đã kinh qua những chức vụ gì. Người đời không nhớ các anh đã kinh qua chức vụ gì, mà chỉ nhớ các anh đã làm được cái gì. Vì vậy cũng đừng quá nặng nề với cái chức, cứ phấn đấu làm cho tốt, tập thể sẽ phát hiện và tập thể sẽ tín nhiệm. Tất nhiên cái đề bạt, cất nhắc cũng tương đối thôi. Nhưng khẳng định với các đồng chí, ở Đà Nẵng nếu phấn đấu làm tốt thì dứt khoát có cơ hội thăng tiến. Không cần phải chạy chọt, chung chi... Xin nói danh dự với các đồng chí, lâu nay đã diễn ra như thế rồi chứ không phải như bữa nay tôi nói, nên các đồng chí cứ lo làm tốt. Ai cũng biết cán bộ là cái gốc của công việc, quyết định sự thành bại của công việc, ai cũng biết cán bộ nào thì phong trào ấy... nói lý thuyết thì như thế. Nhưng quan tâm đến công tác cán bộ thì không phải lúc nào chúng ta cũng tập trung đúng mức. Cán bộ cũng là con người, cũng có những ham muốn, cũng tham sân si, cũng có mặt mạnh yếu, trái phải, chứ không toàn năng, toàn diện hết. Người xưa nói dụng nhân như dụng mộc, chúng ta có dụng nhân như dụng mộc được không? Sư tử, có cái mạnh của sư tử, con thỏ có cái mạnh của con thỏ. Vấn đề là biết sử dụng hợp lý.  

 

Trong công tác cán bộ, vấn đề khó nhất là đánh giá cán bộ. Ngày xưa thì các triều đại vua quan đánh giá cán bộ đơn giản hơn bây giờ, tất nhiên công việc ít hơn, nhưng việc đầu tiên là dẫn cán bộ đến xem tướng mạo, thi cử, thử việc xem có tài không, đặc biệt là kiểm tra xem người sắp bổ nhiệm sống có hiếu với cha mẹ mình không để quyết định đề bạt, cất nhắc. “Công tác cán bộ” như vậy nhưng đã sản sinh nhiều vị quan liêm chính, tài đức vẹn toàn, mãi mãi trường tồn với sử sách. Họ làm thiết thực chứ không rườm rà lỉnh kỉnh. Bây giờ đánh giá luôn cả lập trường, quan điểm... mà lập trường thì ở trong đầu, nhiều khi viết rồi đọc thuộc nhưng thực tế họ làm không thống nhất với điều họ viết và nói.

Tiêu chí rườm rà đủ thứ. Các nước văn minh người ta có hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ rõ ràng, công khai, minh bạch. Có những học viện, đại học đào tạo lãnh đạo. Ví dụ, họ làm một thí nghiệm: Họ chọn 10 em từ 8 đến 10 tuổi. Lấy 2 ly nước trắng, một ly hòa đường, còn ly nữa hòa muối. Đưa ly đường trước cho 9 em nếm thử, tất cả đều nói ngọt, đến em thứ 10 thì thay vì đưa ly nước đường, họ đưa ly nước muối, do thấy 9 người kia nói ngọt trước đó rồi, nó không đủ dũng khí để nói đó là nước mặn! Dạng đó thì thôi, đừng đào tạo làm lãnh đạo nữa vì không có lập trường.  Đó là 1 ví dụ để thấy người ta làm bài bản. Đàn ghi-ta đều có nốt hết, âm vực rõ ràng, còn mình thì như cái đàn cò, không thấy nốt gì hết, cứ cứa ngang mà nhấn thành xàng, xê.... Chỉ làm theo kiểu xưa bày nay bắt chước, bày tới đâu thì làm tới đó, lấy nghề dạy nghề, dần dần lên rồi thành ra lãnh đạo.

 

Trong công tác cán bộ của chúng ta, vấn đề đánh giá cán bộ, đề bạt, sử dụng cán bộ còn quá nhiều bất cập, còn quá thiếu công bằng. Nhiều lúc có anh làm chơi chơi lại được đề bạt cán bộ ngon lắm. Còn công tác cán bộ, tổ chức cán bộ kể cả lãnh đạo ở các vị trí, mình cứ bảo dân chủ, công bằng, mình phấn đấu vươn tới nhưng còn xa mới đạt. Công bằng với vợ, người yêu, con cái, người thân, bạn bè, với ê-kip thì công bằng dễ lắm. Có giỏi thì công bằng với người anh không ưa thích nhưng họ làm được việc. Anh phải sử dụng, vì đại cục, vì cái chung, vì đây không phải cái nhà của riêng anh, không phải công ty trách nhiệm hữu hạn gia đình anh. Có như thế, lúc đó cán bộ mới tin tưởng, hồ hởi. Cho nên phải hết sức công tâm.

 

Hôm Tết, nhiều người xem Gặp nhau cuối năm, kể chuyện các táo trần gian cuối năm lên thiên đình báo cáo kết quả hoạt động. Vở diễn khá hay, công phu. Xem xong, ngồi lại suy nghĩ mới thấy cái gala này cũng có nhiều điều để nói, để nghĩ. Hóa ra, dưới trần gian kẻ làm chết xác cả năm, tận tụy với dân thì không thấy ai đá động, còn mấy táo làm dở, một năm để xảy ra không biết bao chuyện phiền đời thì lại được lên gặp Ngọc Hoàng. Táo làm tốt đâu được lên trời. Ngọc Hoàng cũng nói chung chung, cũng hòa cả làng. Không khen mà cũng chẳng cách chức được táo nào đâu. Đất nước không phát triển là đúng rồi. Lẽ ra phải lấy roi mà đét cho mấy quan Táo làm dở. Cuộc đời có nhiều oái ăm như thế. Mỗi lần xem Tây du ký, thấy Trư Bát Giới nói Tam Tạng nghe, nhưng Tề Thiên nói Tam Tạng lại không nghe, đúng cũng không nghe. Trư Bát Giới nói là Tam Tạng gật liền, bảo chi làm nấy; nhưng đến khi gặp khó khăn phải kêu Tề Thiên, Bát Giới là loại ăn theo, bất tài, phàm ăn tục uống. Cuộc sống phức tạp thế đó. Đi thỉnh kinh chứ đi đâu, mà đến đất Phật rồi, Phật chắp tay nhìn xa trông rộng, nhưng không thấy đám hầu cận giữ kinh ngồi sát bên mình, Tam Tạng phải hối lộ chén vàng rồi mới nhận được kinh.  

 

Đề nghị các đồng chí làm công tác cán bộ phải công tâm, khách quan, tìm tòi phát hiện. Người giỏi không có sẵn đâu, người tài càng không có sẵn. Ai mà chạy đến xin các đồng chí để cất nhắc, ấy là loại cán bộ thường. Người làm giỏi ít khi đi xin. Kẻ hay chạy đến lãnh đạo, biết các đồng chí thích chai rượu ngon, phong bì dày rồi tán tỉnh, nói nghe, rồi tham mưu đề bạt là hại cho Đảng, cho dân. Cần hết sức tỉnh táo. Người ta bảo con trâu hay thường có chứng. Làm công tác cán bộ phải tinh ý, phải đi tìm chứ đừng để cán bộ đi tìm mình, nếu mình làm ngược, để người ta tìm mình thì không thể có cán bộ tốt. Tìm cho ra những cán bộ có tài năng, cán bộ có tố chất, có khát vọng, cán bộ có tâm, có tấm lòng với dân. Phải đi tìm, công phu lắm. Người giỏi phải có tố chất. Học đàn phải có tố chất, chơi đá bóng, tennis, golf phải có tố chất, được thì được nhưng không ra giỏi. Cán bộ cũng phải có tố chất và khát vọng.

 

Phải có khát vọng


Tại sao Đà Nẵng làm được một số việc mà người ta hay chú ý nhiều Đà Nẵng? Bởi vì Đà Nẵng có khát vọng, muốn xây dựng thành phố đáng sống, thành phố yên bình, thái bình, có cuộc sống, môi trường thân thiện, có khát vọng. Làm được đến đâu chưa biết, nhưng phải có khát vọng!

Còn kinh nghiệm thực tiễn, chỉ ra cán bộ muốn thành công phải chú ý các vấn đề sau đây: Một là phải tận tụy với công việc, hai là, không tham vọng cá nhân. Nhớ là hy vọng với tham vọng khác nhau, hy vọng có thể tạo ra tương lai nhưng tham vọng giết chết tương lai; ba là, tập hợp được chung quanh. Muốn thế phải khiêm tốn và thuyết phục. Lênin nói: Không khiêm tốn thì không làm lãnh đạo, không thuyết phục thì không làm lãnh đạo, nhưng không quyết đoán thì đừng bao giờ làm lãnh đạo và, cuối cùng, ít cá nhân. Tôi dùng chữ ít, chứ không phải không cá nhân thì thành thánh mất. Ai cũng có riêng tư, chuyện này chuyện khác... Bốn yếu tố đó dẫn đến cán bộ thành công.

 

Có một số cán bộ trẻ, lúc đầu thì làm hăng hái lắm, họ cho mấy đồng; rồi sau lại ngó chừng có cho tiền không rồi mới làm. Cái đó nó sẽ giết hại cán bộ. Anh làm được, xong họ cho cái phong bì đôi ba triệu, thôi thì chín bỏ làm mười, chớ không cực đoan, máy móc, xem như chén nước, điếu thuốc... Nhưng không được đòi họ cho rồi mới làm, giống như  con cá heo biểu diễn, có cho nó ăn nó mới nhảy lượn, uốn éo, còn nếu không có chi nhét vào miệng thì nó bơi đi mất. Cán bộ, công chức Đà Nẵng đừng làm theo kiểu cá heo!

 

Các đồng chí ở cơ sở, nhất là cán bộ trẻ phải lưu ý. Khách quan cũng có nhưng chủ quan do mình cũng có. Có thể nói đội ngũ cán bộ bây giờ thông minh, sắc sảo, nhanh nhẹn hơn thời của chúng tôi nhiều, nhưng như tôi nói cái tâm huyết, cái khát vọng chưa ăn thua gì, đã thế lại còn mắc các bệnh quan liêu, xa dân. Cán bộ bây giờ quan liêu lắm, biết đại khái chung chung thế thôi. Quan liêu xa dân là cái tệ hại của người cán bộ. Dân hồi trước họ chết sống với mình, khi có quyền lực rồi thì dễ lạm dụng quyền lực, dễ xa dân, thành căn bệnh của những nhà cầm quyền. Lịch sử dân tộc cũng vậy thôi!  

 

Xin phép kể câu chuyện riêng tư. Hồi mới ra trường, được phân về làm chủ nhiệm Hợp tác xã. Ban ngày lăn lộn với nông dân, tối về nằm trên bàn HTX ngủ. Chưa sáng, xã viên đã tới thò tay qua cửa sổ kéo chân bảo dậy xuất phân, xuất đạm cho  dân kịp ra đồng. Chủ nhiệm và xã viên hòa đồng, vui vẻ.  Sau đó, được phân công về làm phó chủ tịch huyện, phụ trách nông nghiệp. Một sáng, đã gần 7 giờ, từ phòng tập thể dậy, gặp một bác nông dân, rụt rè nhờ tôi ký duyệt mấy khối gỗ để sửa lại cái nhà thuộc diện chính sách. Tôi cáu lên: Chưa tới giờ làm việc! Nói xong, tôi bỏ ra quán ăn sáng. Tôi phải xử sự cho ra một ông quan phó chủ tịch huyện! Ăn xong tô bún giò, đang uống dở ly cà-phê, tôi chợt quặn lòng: Vì sao mới hôm qua, 5 giờ sáng anh dậy được, anh làm được? Còn bây giờ đã 6 giờ anh lại cáu ghét? Nghĩ vậy, trong sự ân hận của tôi, tôi vào tìm lại ông cụ kia đang ngồi co ro trên bệ cửa, tôi xin lại tờ đơn của ông và xử lý ngay. Từ đó đến nay, trong mọi công việc ứng xử với dân tôi đều luôn cảnh giác cái việc dễ xa dân.

 

Có chức, có quyền rồi thấy mình quan trọng lắm, dễ cách bức dân lắm, ai cũng xin, cũng cần đến mình! Giữ được cái chức rồi là oách lác, quát tháo, xa dân, thiếu trách nhiệm. Cho nên cái bệnh thờ ơ chính trị là căn bệnh tương đối phổ biến trong cán bộ bây giờ. Đất nước khi nào mạt rồi tính sau, chứ bây giờ chưa đến nỗi chi, không cần chú ý. Sống thiếu cái tình đồng chí, thiếu tình đồng nghiệp, thiếu tình người, một bộ phận cán bộ nhiễm bệnh đó. Chức quyền đến lúc rồi cũng hết. Cuối cùng rồi ta cũng lại làm kẻ thứ dân. Hãy nghĩ đến cảnh đó mà giữ mình.

Thiếu tinh thần trách nhiệm, tư lợi, lười nghiên cứu, lười đọc, lười đi cơ sở. Nghiện họp, nhiều nơi họp quá nhiều, cần nghiên cứu chấn chỉnh. Bệnh thành tích hình thức, kèn cựa địa vị, đố kỵ. Bệnh này nặng nề lắm, dẫn đến mất đoàn kết. Người ta nghiên cứu tại sao mất đoàn kết và rút ra kết luận là mất đoàn kết do những nguyên nhân sau: Mâu thuẫn với nhau về phong cách; mâu thuẫn về lập trường, quan điểm và mâu thuẫn về quyền lợi.

 

Lập trường quan điểm thì không đến nỗi gì, còn lại chủ yếu là phong cách với quyền lợi thôi. Quyền lợi ghê lắm!

Về đoàn kết thì tôi không nói nhiều, xin nhấn mạnh 2 ý: Một là trước khi mất, Bác Hồ căn dặn chúng ta “hãy giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn chính con ngươi của mắt mình”. Đã là đảng viên thì phải chú ý câu đó, vì mất đoàn kết sẽ làm cho Đảng sụp đổ, chế độ tan rã, và như vậy là có tội. Lênin đã từng cảnh báo: Không một kẻ thù nào, cho dù nó nham hiểm và hung hãn nhất có thể tiêu diệt được Đảng Cộng sản, ngoại trừ chính những người  Cộng sản tự tiêu diệt chính họ!

 

Chú ý trong công tác có thể có chuyện này chuyện kia, không vừa lòng nhưng phải thống nhất một điều là phải đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, phấn đấu làm sao để trong tương lai không xa lắm 5-10 năm nữa, sẽ có một Đà Nẵng công nghiệp phát triển, trong đó tập trung cho khu công nghệ cao, công nghệ thông tin; một thành phố mỗi năm đón 5-7 triệu lượt khách du lịch quốc tế; sẽ có những khu giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp nổi tiếng, có đội ngũ cán bộ mạnh về năng lực chuyên môn, bảo đảm về phẩm chất, có trách nhiệm với nhân dân; một nền hành chính thông suốt, nếu chính quyền đô thị diễn ra, nếu Trung ương cho phép thì không còn chính quyền cấp quận nữa, từ thành phố thẳng đến xã, phường; thành phố lúc đó có dân số từ 2-2,5 triệu dân; đúng nghĩa thành phố môi trường, rất an ninh trật tự. Chúng ta sẽ chung lòng xây dựng thành phố anh hùng này thật sự là một nơi an lành, đáng sống.

 

Theo Baodanang.vn



Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 83 khách Trực tuyến