Đề án Nhà ở cho thuê đang được Bộ Xây dựng hoàn thiện. Đây được cho là một nét mới của thị trường bất động sản trong tương lai gần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia bất động sản, để phát triển được phân khúc thị trường này cần có một cái nhìn mới về nhà ở cho thuê, cả từ phía các nhà quản lý, doanh nghiệp cho đến người dân.
Báo cáo từ các công ty tư vấn bất động sản cho thấy thị trường văn phòng, căn hộ cao cấp cho thuê đã bão hòa, giá cho thuê có chiều hướng giảm. Trong khi đó, loại căn hộ, nhà trọ bình dân cho thuê vẫn luôn đắt hàng bởi cầu lớn hơn cung. Điều đáng nói, hầu hết những đối tượng thuê nhà, nhất là cán bộ công chức, viên chức đều đang ấp ủ giấc mơ sở hữu một căn hộ, cho dù giấc mơ đó với họ còn rất xa vời.
Thực tế, mặc dù thị trường bất động sản gần như đóng băng trong suốt năm qua nhưng trên thị trường, phân khúc nhà giá rẻ lúc nào cũng có giao dịch và những căn hộ có mức giá trên dưới 1 tỷ đồng vẫn được nhiều khách hàng “săn lùng”. Không ít người chấp nhận cảnh vay mượn, nợ nần nhiều năm liền để thỏa mãn giấc mơ sở hữu căn nhà.
Theo ông Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường): “Ở nhiều nước phát triển, hình thức thuê nhà khá phổ biến, ví dụ ở Mỹ có tới 80% dân số ở nhà thuê. Trong khi đó, ở mức thu nhập như nước ta, người dân lại có tâm lý phải có nhà sở hữu bởi “an cư mới lạc nghiệp”. Đó chính là một trong những nguyên nhân đẩy giá bất động sản lên cao chót vót như hiện nay. Nếu cứ quen sở hữu riêng nhà ở, đại bộ phận người dân với mức thu nhập thấp vẫn sẽ khó có cơ hội tiếp cận và cải thiện về nhà ở”.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người dân thay đổi quan điểm, thói quen về nhà ở và sở hữu nhà ở? Các chuyên gia bất động sản nhận định rằng, để làm được điều đó, cần phải cho người dân tiếp cận được quỹ nhà cho thuê với giá hợp lý, chất lượng tốt và thuận lợi cho sinh hoạt.
Các doanh nghiệp không phải không nhìn thấy tiềm năng của thị trường nhà ở xã hội cho thuê nhưng hầu hết đều e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực này. Nguyên nhân là do chính sách ưu đãi của nhà nước chưa rõ ràng, có quá nhiều điều kiện ràng buộc kèm theo khiến các doanh nghiệp thiếu chủ động trong kinh doanh.
Thế nhưng, theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, một trong những vấn đề cản trở sự phát triển của phân khúc thị trường này lại đang nằm ở chính các doanh nghiệp. Chính quan niệm của các doanh nghiệp về nhà ở xã hội là loại nhà chất lượng thấp và thực tế những căn hộ chất lượng thấp ra đời đã tạo ra ấn tượng xấu với người tiêu dùng về loại hình căn hộ này.
Nhận ra những sai lầm trong quan niệm này, nhiều doanh nghiệp đã đồng tình với ý kiến của ông Trần Oanh, đại diện Tập đoàn Nam Cường, khi cho rằng: “Theo quan điểm của tôi, thay vì sử dụng các thiết bị ở mức trung bình, cắt giảm sự tiện nghi để giảm giá nhà thu nhập thấp thì chúng ta nên đầu tư như nhà ở thương mại, sau đó cho người dân thuê. Sử dụng nhà thuê, người dân sẽ giảm được áp lực vì không phải chuẩn bị một khoản tiền lớn để trả, Nhà nước không mất đất vì không phải cấp sổ hồng, 40 - 50 năm sau nếu có phải phá đi làm lại chúng ta không mất tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Cái được ở đây là người nghèo vẫn được ở nhà đẹp, chất lượng tốt”.
Trong đề án Nhà ở cho thuê của Bộ Xây dựng nêu rõ, để phát triển nhà ở xã hội trong đó có nhà cho thuê, trong thời gian tới, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở phi hàng hóa - nhà xã hội, để giải quyết chỗ ở cho các nhóm đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở nhưng không có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường.
Cùng với việc Nhà nước khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng quỹ nhà để bán, cho thuê giá rẻ, Nhà nước sẽ chủ động đầu tư quỹ nhà xã hội từ vốn ngân sách hoặc theo hình thức BT đổi đất lấy công trình… để có quỹ nhà để bán, cho thuê, thuê mua với giá rẻ nhằm đáp ứng cho đối tượng dân nghèo.
Theo Vietbao.vn