(
ĐNĐT) - Chỉ trong một tuần, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng liên tiếp xảy ra hai vụ sụt lún đường do các công trình xây dựng gây ra. Đó là công trình trụ sở VietinBank và Trung tâm siêu thị Nguyễn Kim. Đây cũng là lời cảnh báo cho việc đảm bảo chất lượng an toàn các công trình xây dựng gần các khu dân cư
Vấn đề băn khoăn của người dân là các công trình xây dựng cao tầng trước khi thi công có được kiểm tra và đánh giá kỹ càng? Khi xảy ra sự cố ai chịu trách nhiệm? Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Dũng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, về vấn đề này.
* Trước thực tế hai công trình thi công gây sự cố lún, nứt đường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thời gian qua, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm về những sự cố này, thưa ông?
- Theo quy định Luật Xây dựng, chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm về công tác quản lý chất lượng công trình. Vì vậy, các công trình thi công mà để xảy ra sự cố, trách nhiệm cao nhất thuộc về chủ đầu tư công trình đó. Sở Xây dựng, UBND quận, huyện là cơ quan quản lý nhà nước, có chức năng kiểm tra, hướng dẫn và yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu thi công thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng công trình theo các nghị định của Chính phủ. * Vậy trước khi thi công, chủ đầu tư không khảo sát địa chất của khu vực thi công và lân cận hay sao?
- Theo quy định luật Xây dựng và Thông tư 39/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng, công trình, nhà ở có quy mô từ 250m2 sàn hoặc từ 3 tầng trở lên thì chủ đầu tư phải thuê nhà thầu khảo sát có đủ điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện khảo sát địa chất làm cơ sở cho quá trình thiết kế. Với quy mô công trình như trên, việc thiết kế cũng như thi công, chủ nhà cũng phải thuê đơn vị có đủ năng lực theo quy định đảm trách.
Trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng theo quy định tại Điều 63 Luật Xây dựng. Trong đó, bản vẽ thiết kế thể hiện vị trí mặt bằng, mặt cắt, các mặt đứng chính, mặt bằng móng của công trình.
Việc kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình sẽ tiến hành tại công tác hậu kiểm (tính từ khi bắt đầu khởi công công trình).
* Các quy định về việc cấp phép xây dựng; khởi công xây dựng một công trình được thực hiện theo trình tự ra sao?
- Hồ sơ xin cấp phép xây dựng được thực hiện theo các quy định hiện hành và trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có đầy đủ hồ sơ theo những quy định này. * Công trình đã có giấy phép xây dựng và thực hiện đúng theo quy định mà công trình bên cạnh bị sụt, lún… thì phải giải quyết như thế nào?
- Khi xảy ra sự cố, chủ đầu tư và đơn vị thi công phải ngừng thi công, khẩn trương áp dụng kịp thời các biện pháp ngăn chặn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Sau đó tiến hành khảo sát, xác định nguyên nhân gây lún nứt, lập phương án khắc phục sửa chữa và tiến hành thỏa thuận bồi thường với chủ công trình bị sự cố. Chủ đầu tư phải lập hồ sơ báo cáo sự cố gửi về Sở Xây dựng.
Công trình trụ sở VietinBank tại Đà Nẵng đang thi công hạng mục cọc nhồi tầng hầm thì xảy ra sự cố nứt, lún trên đường Yên Bái
Công trình chỉ được tiếp tục thi công sau khi cơ quan chức năng đã lập xong hồ sơ sự cố và cho phép tiếp tục thi công.
* Chế tài xử lý hiện nay đã đủ mạnh chưa để chủ đầu tư nghiêm túc hơn trong việc khảo sát địa chất, thực hiện báo cáo biện pháp thi công an toàn, bảo đảm an toàn trong quá trình thi công?
- Theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP về xử phạt tổ chức thi công "vi phạm các quy định về xây dựng" gây lún nứt công trình lân cận sẽ bị xử phạt với mức cao nhất 10 triệu đồng đối với nhà ở riêng lẻ, 30 triệu đồng đối với công trình khác. Theo tôi như vậy là khá mạnh.
Sự cố xảy ra, chắc chắn không do cố ý, nhưng đôi khi có lỗi chủ quan của nhà thầu thi công, chủ đầu tư trong việc lập, phê duyệt biện pháp thi công không đúng quy định; do tiết kiệm chi phí, làm ẩu nên không thực hiện đúng theo biện pháp thi công đã lập.
* Trước tình trạng báo động nêu trên, cần có những biện pháp nào để hạn chế tình trạng sụt lún do đơn vị thi công các công trình gây ra?
- Thời gian qua, Sở Xây dựng đã tăng cường công tác kiểm tra, nhất là với những công trình có tầng hầm và đã xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức thi công không đúng quy định. Tuy nhiên, do lực lượng Thanh tra của Sở còn mỏng nên không thể kiểm tra kịp thời tất cả các công trình trong giai đọan thi công phần ngầm. Sở cũng đã có công văn đề nghị UBND quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra điều kiện khởi công các công trình trên địa bàn theo quy định tại điều 72 Luật Xây dựng.
* Ngày 25-5, trong quá trình thi công hạng mục cọc nhồi tầng hầm công trình trụ sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) tại Đà Nẵng (số 36 Trần Quốc Toản, quận Hải Châu) thì xảy ra sự cố nứt, lún trên mặt đường và vỉa hè đường Yên Bái. Quán cà phê Yasaka (số 38 Trần Quốc Toản - sát bên cạnh công trình này) cũng đã xuất hiện một hố sâu hơn 1m, rộng khoảng 10m2 ngay giữa quán, khiến quán này phải ngưng hoạt động.
* Ngày 1-6, công trình Trung tâm siêu thị Nguyễn Kim tại Đà Nẵng (số 44 Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê) khi đang thi công cũng đã làm gập gần 50m taluy vỉa hè, gây nứt 15m mặt đường nhựa và vết nứt ăn sâu vào hơn 2m mặt đường hẻm.
Hiện tại hai công trình này đã tạm dừng thi công, chủ đầu tư và đơn vị thi công đang khắc phục sự cố, trả lại nguyên hiện trạng ban đầu cho đường nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình lân cận, trước khi được sự cho phép thi công trở lại của cơ quan chức năng.
Theo Đắc Mạnh baodanang.vn