Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Địa ốc đón sóng đầu tư từ châu Á

PDF.InEmail

Địa ốc đón sóng đầu tư từ châu ÁHàng loạt nhà đầu tư châu Á đã và đang mạnh tay rót vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam.

 

Điểm đáng chú ý trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 8 tháng đầu năm là, kinh doanh bất động sản đứng ở vị trí thứ hai trong danh sách các lĩnh vực thu hút nhiều vốn FDI nhất, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm lên tới 1,726 tỷ USD. Sau nhiều quý sa sút, sự trở lại của FDI vào bất động sản là một điều ngạc nhiên, đặc biệt trong bối cảnh thị trường này còn rất ảm đạm.Trong số 10 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản từ đầu năm đến nay, riêng Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương (Tokyu Binh Duong Garden City) của Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) đã có vốn đầu tư tới 1,2 tỷ USD. Trong số các dự án “tỷ đô” trong lĩnh vực bất động sản còn có Dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) của Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản), với vốn đầu tư 1 tỷ USD, đã chính thức khởi động từ tháng 3/2012. Đây là hai dự án đầu tư vào bất động sản có số vốn lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện bởi các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.

 

Ngoài “dấu ấn Nhật Bản”, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp và các quỹ đầu tư bất động sản các nước châu Á khác cũng có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Mới đây, theo Báo Gulf Times, Qatar đang có kế hoạch đầu tư một loạt dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Các dự án này tập trung vào phân khúc cơ sở hạ tầng đa năng, thương mại, nhà ở, khách sạn, thông qua liên doanh với Qatari Diar Real Estate Company.

 

Địa ốc đón sóng đầu tư từ châu Á

Ngoài “dấu ấn Nhật Bản”, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp và các quỹ đầu tư bất động sản các nước châu Á khác cũng có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam (Ảnh minh họa).

 

Trong khi đó, Tập đoàn Mapletree (Singapore) vừa khởi công xây dựng Trung tâm Thương mại SC VivoCity, nằm trong Khu phức hợp Saigon South Palace (quận 7, TP.HCM) hồi tháng 3/2012. Mapletree cam kết đầu tư tới 1 tỷ USD vào Việt Nam và đã lên kế hoạch thành lập một quỹ đầu tư để đầu tư vào các dự án bất động sản tại Việt Nam. Một tập đoàn khác là SP Setia Bhd (Malaysia), hiện đang phát triển 2 dự án tại Bình Dương, cũng có chủ trương mở rộng đầu tư ra 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM…

 

Tại buổi tọa đàm “Thị trường bất động sản: Hiện trạng và giải pháp kinh doanh” tại Hà Nội mới đây, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội đã tiết lộ, thời gian gần đây, nhiều khách hàng nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia tới Savills đặt hàng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Ông Trần Tấn Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty Song Phát, đơn vị đang thực hiện nhiều thương vụ tư vấn đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài cũng cho biết, vốn đầu tư của các nhà đầu tư châu Á, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản, đã tăng mạnh trong 6 tháng qua.

 

Sở dĩ các nhà đầu tư châu Á quan tâm nhiều đến thị trường bất động sản Việt Nam, theo ông Thiện, là vị trí địa lý gần, có nhiều tương đồng về văn hóa, quan hệ ngoại giao tốt đẹp. Thêm vào đó, khủng hoảng tại châu Âu đang lan rộng, khiến các nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam.

 

Nhìn lại thời gian qua, nhiều dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản đã đi vào hoạt động rất tốt, tạo dấu ấn trên thị trường, như các tên tuổi Keangnam Landmark, Indochina Plaza, Mulberry Lane, Gamuda City, Splendora…

 

Tuy nhiên, cũng có không ít dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản đã và đang sa lầy ở Việt Nam. Danh sách dự án chậm tiến độ đang được nối dài thêm, tiêu biểu như Khu chung cư Quốc tế Booyoung (Khu đô thị Mỗ Lao, TP. Hà Nội), Dự án Times Square (đường Phạm Hùng, Hà Nội) của VinaCapital, Dự án Park City (đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội), Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (TP.HCM), Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế của Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad (Malaysia), Dự án Khu đô thị Quốc tế Đa Phước (TP.Đà Nẵng), Khu đô thị Halong Star (Quảng Ninh)

 

Thậm chí, một số dự án “tỷ đô” đăng ký đầu tư vào bất động sản đã bị rút giấy chứng nhận đầu tư, như Dự án Thành phố Sáng tạo Nam Phú Yên (vốn đầu tư 1,68 tỷ USD), Bãi Biển Rồng tại tỉnh Quảng Nam (4 tỷ USD), Công viên Phần mềm Thủ Thiêm (1,2 tỷ USD) tại TP.HCM, Khu du lịch Wonder Park (1,3 tỷ USD)…

 

Như vậy, dù còn nhiều thách thức trong ngắn hạn, nhưng nhìn chung, Việt Nam vẫn được xem là một thị trường nhiều tiềm năng và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc dòng vốn FDI “quay đầu” hướng vào bất động sản khi thị trường còn đóng băng được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng thay đổi cục diện bí bách hiện nay của thị trường này. 

Theo Báo Đầu tư

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 235 khách Trực tuyến