Theo TP Đà Nẵng, khi đã là chủ sở hữu thì người dân có quyền bán hay không bán đất, có thể mặc cả để đảm bảo đúng lợi ích của mình.
Tại Hội nghị tổng kết việc thi hành quy định của Hiến pháp năm 1992 về vấn đề sở hữu đất đai tổ chức vào ngày 3/12, báo cáo của chính quyền TP Đà Nẵng cho rằng đang có những bất cập trong quá trình thi hành quy định về đất đai.
Chế định sở hữu toàn dân đối với đất đai đã giảm ý nghĩa trên thực tế, ảnh hưởng đến người dân vì không thể biến các mảnh đất, thửa đất của mình thành tài sản hoặc vốn đầu tư. Trong khi đó, lại có một quá trình tư nhân hóa về sở hữu đất đai đã và đang diễn ra trên thực tế một cách không tránh khỏi.Việc người sử dụng đất không có quyền sở hữu khiến họ mất động lực sử dụng đất một cách tốt nhất, không muốn đầu tư dài hạn vào đất đang sử dụng.Ngoài ra, quyền định đoạt về đất đai thuộc về các cơ quan nhà nước cũng dễ dẫn đến việc phát sinh tham nhũng.
Do vậy, Đà Nẵng kiến nghị cần xem xét sở hữu tư nhân về đất đai bên cạnh sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể. Mỗi miếng đất phải gắn với chủ sở hữu rõ ràng, ngay cả đất thuộc sở hữu nhà nước cũng phải nêu rõ ai là đại diện chủ sở hữu mảnh đất đó. Như vậy, tham nhũng trong bộ máy quản lý đất đai sẽ giảm, người dân có quyền bán hay không bán đất, có thể mặc cả để đảm bảo đúng mức lợi ích của mình.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng nên trao quyền sở hữu tư nhân về đất đai đối với các loại đất như đất ở, đất chuyên dùng, đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất rừng sản xuất nhưng phải nằm trong mức hạn điền. Cần phải cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế sở hữu đối với đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh của họ.
Theo Landtoday.net