Cơn trầm lắng của thị trường bất động sản dường như đã xuống đến đáy và đang tìm đường đi lên.
Bằng chứng là những đợt sóng bán tháo cắt lỗ đã có dấu hiệu dừng lại, từ hai tuần nay, thị trường bắt đầu rậm rịch có giao dịch tại một số phân khúc.
Giao dịch nhà đất ấm dần
Theo phản ánh của nhiều văn phòng nhà đất khu vực Nam Trung Yên, hơn tháng nay lượng khách hàng đặt mua căn hộ chung cư diện tích 60-70 m2, giá trị khoảng xấp xỉ 2 tỷ đồng/căn thuộc dự án nhà ở thương mại và khu tái định cư rất nhiều. Giá chung cư quanh khu vực Trung Yên, căn hộ thuộc dự án tái định cư 30-32 triệu đồng/m2, chung cư Nam Trung Yên tòa B11D 35 triệu đồng/m2 nhưng cũng không dễ tìm được vì nguồn cung không nhiều như người ta vẫn tưởng.
Xa trung tâm hơn một chút, tại khu đô thị mới Xa La, các căn hộ vẫn giao dịch tốt, trung bình mỗi tuần cũng bán được 2-3 căn chung cư diện tích nhỏ. Giá căn hộ tòa CT1, CT2 diện tích 70-80 m2, 28 triệu đồng/m2 trong khi căn diện tích rộng trên 100 m2 giá 22 triệu đồng/m2. Tại khu đô thị mới Văn Khê, giá chung cư hiện đang được giao dịch mức trên 22 triệu đồng/m2, khu đô thị Văn Phú giá 20-21 triệu đồng/m2,….
Chị Nguyễn Thanh Thảo – Giám đốc sàn bất động sản T.N cho biết, nhiều ngày nay lượng khách hàng đến tham khảo giá bất động sản nhiều hơn so với những tháng trước nhưng vì tháng 7 âm lịch bị coi là tháng “cô hồn" nên lượng giao dịch thành công không nhiều. “Tuy nhiên, tình hình chắc chắn sẽ tốt hơn khi sang tháng 8”, chị Thảo cho biết.
Không chỉ các căn hộ chung cư diện tích nhỏ mà các loại hình đất thổ cư diện tích nhỏ, dự án nhà ở của những thương hiệu BĐS uy tín như các dự án của Vincom, Nam Cường, Sông Đà Thăng Long … cũng đã được nhiều nhà đầu tư nhắm đến.
Nhà đất vẫn là hầm trú ẩn an toàn
Hiện một lượng lớn tiền mặt lại đang lúng túng tìm kênh đầu tư sau khi nhiều người dân bán được vàng với giá cao. Tiếp tục “chơi” vàng thì không phải ai cũng đủ gan vì những cơn co giật quá bất ổn của giá vàng đã khiến thị trường sợ hãi. Kinh nghiệm hai đợt sốt vàng gần đây đều cho thấy, đa số dân chơi vàng đều “đứt tay”, kể cả những chủ tiệm vàng lớn, có thông tin và mối quan hệ rất tốt trong lĩnh vực này.
Chứng khoán, ngoại tệ cũng không mấy sáng sủa, chỉ tiết kiệm có vẻ lên ngôi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đường dài đều không coi tiết kiệm là kênh cất tiền hiệu quả vì thời điểm hưởng lợi từ lãi suất cao thường quá ngắn, còn so với tốc độ lạm phát thì lãi suất tiết kiệm thực tế là thực âm thay vì thực dương.
Cuối cùng, bất động sản vẫn được các nhà đầu tư coi là “hầm trú ẩn” an toàn nhất cho đồng vốn.
Giám đốc một trung tâm môi giới nhà đất trên đường Lê Văn Lương cho biết, dù không sôi động như trước nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn túc tắc săn đất, săn nhà với mục đích đầu tư - không bán được ngay thì coi như một hình thức bỏ ống dài hạn.
“Kinh nghiệm các lần sốt nóng, sốt lạnh đã qua đều cho thấy, dù bất động sản có chững thì bỏ tiền vào đó vẫn sinh lợi hơn các kênh khác mà đỡ đau tim khi theo dõi…thời sự”, ông Hà Văn Phong (Tương Mai, Hà Nội) - một người đang đi săn nhà dưới 3 tỷ cho biết.
Những người như ông Phong không hề ít. Thực tế, thị trường BĐS Hà Nội được hình thành chủ yếu từ nguồn tiền trong dân nên dù nhà đất có chững cũng vẫn là kênh đổ tiền hàng đầu trong các kênh đầu tư hiện có vì theo nhiều nhà đầu tư nhà đất vẫn là chỗ “ăn chắc mặc bền” nhất.
Chia sẻ suy nghĩ này, chị Nguyễn Thị Lan, nhà đầu tư từ Hà Nam lên thủng thẳng: “không bán được thì vẫn còn có miếng đất, cái nhà để cho thuê hoặc sử dụng trong lúc chờ giá lên. Hơn nữa, giữ đất, giữ nhà vẫn đem lại cảm giác an toàn hơn các kênh đầu tư khác”.
Những tín hiệu lạc quan
Các chuyên gia BĐS đều cho rằng thị trường chững do tâm lý chờ đợi giá nhà đất tiếp tục hạ thấp nữa chứ không phải không có cầu, thậm chí luôn có một nguồn cầu tiềm ẩn với lượng tiền mặt có sẵn cực lớn.
“Họ chờ giảm giá nhiều hơn nữa nhưng việc này rất khó xảy ra bởi nhiều dự án đã sát tới mức giá gốc, khách hàng hiện cũng được mua trực tiếp từ chủ đầu tư nên không còn dư địa giảm nhiều”, một chuyên gia phân tích.
Một yếu tố khác, theo các chuyên gia, cũng khiến bất động sản khó giảm sâu hơn nữa là giá cả đầu vào liên tục tăng. Giá đất có chỉ số tăng hàng năm còn giá vật liệu xây dựng, nhất là nguyên vật liệu nhập khẩu luôn tăng rất mạnh theo tỷ giá USD. Đặc biệt, giá nhân công xây dựng cũng có tốc độ tăng chóng mặt cùng với lãi suất ngân hàng tăng quá cao, thêm chính sách thắt chặt tín dụng và rất nhiều yếu tố khác… khiến nhiều dự án có nguy cơ đình đốn do không đủ tiền làm tiếp.
“Cứ nói là vài năm tới thị trường sẽ bùng nổ nhà chung cư nhưng thực tế số lượng căn hộ cung cấp ra thị trường chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nhà ở của người dân thôi, chưa kể sẽ có không ít dự án bị chậm tiến độ, thậm chí dừng hẳn vì không đủ lực làm tiếp sẽ khiến nguồn cung càng bị hạn chế”, giám đốc một trung tâm môi giới nhà đất trên đường Lê Văn Lương khẳng định.
Tất cả những yếu tố đó đều ảnh hưởng mạnh đến những người có nhu cầu và khả năng mua nhà thực. Không còn kiên nhẫn được lâu hơn, nhiều người bắt đầu đi lùng mua nhà đất, căn hộ vì lo sợ không còn cơ hội mua được giá tốt hơn. Thời điểm này cũng là lúc nhiều phụ huynh từ các tỉnh cũng đổ về Hà nội tìm mua nhà cho con lên Hà Nội học càng khiến thị trường có thêm hy vọng.
Ngoài ra, việc thị trường rục rịch trở lại phần nhiều vì các nhà đầu tư đang hy vọng vào lời hứa của Tân thống đốc Ngân hàng nhà nước khi khẳng định bằng mọi cách ngay trong tháng 8 sẽ đưa lãi suất về mức 17-19%. Tháng 9 cũng là thời điểm Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất cho vay.
“Điều này khiến cho các nhà đầu tư, người mua nhà cũng bớt căng thẳng và họ quyết định dần chuyển hướng đầu tư”, một nhà đầu tư cho biết.
Theo Land.cafef.vn