Viện Khoa học Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) đã đưa ra những giải pháp kỹ thuật để phòng chống thiên tai trong xây dựng nhà ở của dân. Đây cũng là nội dung hợp tác của ngành Xây dựng Việt Nam với UNDP (Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên hợp quốc).
Theo đó, các nhà khoa học ngành Xây dựng Việt Nam khuyến cáo về quy hoạch chọn địa điểm xây dựng cho các vùng dân cư nên chú ý lợi dụng địa hình, địa vật để chắn gió bão. Làm nhà tập trung thành từng khu vực, bố trí các nhà ở nằm so le với nhau. Tránh làm nhà tại các nơi trống trải, giữa cánh đồng, ven làng, ven sông, ven biển, trên đồi cao hoặc giữa 2 sườn đồi, sườn núi. Tránh bố trí các nhà thẳng hàng, dễ tạo túi gió hoặc luồng xoáy nguy hiểm. Về kiến trúc thì kích thước nhà hợp lý, tránh nhà mảnh và dài; tăng cường kết cấu xung quanh những phòng ở để làm chỗ trú ẩn cho những người đang có mặt trong nhà khi xảy ra thiên tai.
Về kết cấu có liên kết chặt chẽ, liên tục từ mái tới móng theo cả 2 phương ngang và phương thẳng đứng; ưu tiên hệ kết cấu gồm cột và dầm, tạo ra một lưới không gian có độ cứng tốt. Nền nhà phải được đầm chặt hoặc đóng bằng cọc tre hay đúc giằng móng để tạo khả năng chịu lực tổng thể theo các phương. Tường nhà đảm bảo độ bền chịu gió đẩy và gió hút, chống lật, không bị biến dạng; tường cần đủ sức truyền tải trọng từ bên trên xuống móng qua các liên kết.
Khi tường yếu phải có giằng chéo trong tường và các góc tường. Các bức tường gạch dài cần được tăng cường độ cứng bằng bổ sung trụ hoặc bố trí các dầm và các cột liên kết bằng bê-tông cốt thép. Tường gạch vượt mái được tăng cường bằng dầm bê-tông cốt thép, neo xuống dưới đế theo các khoảng đều nhau... Tường nhà là khung gỗ vách gỗ với hệ khung không gian thường có khả năng chịu gió bão tốt. Các loại tường khung gỗ tre, vách liếp tre có lớp trát hoặc không có lớp trát chỉ nên coi là phương án tạm thời khi chưa có đủ điều kiện kinh tế, do vậy phải thực hiện các giải pháp chống đỡ trước cơn bão. Để hạn chế hư hỏng cho các loại tường xây do mưa bão tạt hoặc lũ khi triều dâng, cần sử dụng lớp trát có đủ độ bền nước.
Mái nhà tốt nhất là bằng bê-tông cốt thép. Nếu mái dốc phải có trần, độ dốc mái nên lấy từ 200 :- 300. Giữa các kết cấu phải có giằng liên kết theo 2 phương đứng và ngang. Xà gồ, cầu phong, li tô phải neo chắc với kết cấu mái và tường hồi. Nên có giằng chéo ở các góc mái. Tấm lợp phải neo chặt vào xương mái.
Nhà mái ngói được các nhà khoa học khuyến cáo nên sử dụng ngói có lỗ buộc, tăng cường liên kết của hệ kèo, xà gồ. Mái ngói thường phải có dây thép buộc. Dùng dây thép F2 buộc vào li tô, cầu phong.
Ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết Sở đã chủ động cung cấp bản thiết kế mẫu nhà ở phòng chống lụt bão đến với người dân; đã đề nghị UBND các quận, huyện phân công cán bộ, kỹ sư các phòng Quản lý đô thị, phòng Công thương hướng dẫn cho nhân dân thực hiện. Hiện Sở cung cấp 2 mẫu nhà được đánh giá là bảo đảm tính thẩm mỹ, tăng khả năng phòng tránh thiên tai và dự toán kinh phí đầu tư xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân thành phố.
Vì kèo phải được liên kết xuống tới móng. Đối với các công trình ngói không neo đã xây dựng, có thể hạn chế hư hại bằng kê vữa phần mũi viên trên vào phần gáy viên dưới ở các vùng riềm mái. Xây hàng gạch chỉ chạy dọc theo độ dốc mái cách nhau 0,9 đến 1,2m để chống tốc mái. Nóc mái bằng ngói bò hoặc gạch chỉ, chèn kỹ bằng vữa xi-măng mác 50. Làm gác lửng chống bão sẽ tăng độ cứng của nhà.
Đối với cửa thì cửa càng kín gió chống bão càng tốt. Tốt nhất là dùng bản lề chôn sâu vào tường hoặc dùng loại cửa đẩy, cửa lật. Khung cửa phải có thép đuôi cá và cửa phải được chèn cẩn thận vào tường. Cửa liếp, cửa gỗ nên gia cường thêm các thanh chữ Z buộc hoặc đóng đinh cẩn thận.
Như vậy, để giảm thiểu ảnh hưởng của gió bão và lốc xoáy tới nhà dân, ngoài việc chủ động lựa chọn giải pháp an toàn để xây dựng, người dân có thể sử dụng các biện pháp chống đỡ tạm thời để chống tốc mái và chằng chống làm tăng ổn định cho ngôi nhà trước thiên tai, bão lũ.
Theo Báo Đà Nẵng