"Thị trường BĐS sẽ đi lên" là nhận định của ông Trần Kim Chung, Viện CIEM đưa ra cho thị trường BĐS những tháng cuối năm 2012 tại hội thảo "Thị trường BĐS: Giải pháp và cơ hội tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng" tổ chức sáng 12/9.
Phân tích về thị trường BĐS thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Thị trường BĐS đã bộc lộ nhiều yếu kém, biểu hiện là nhiều doanh nghiệp (DN) đổ xô vào đầu tư BĐS, kể cả doanh nghiệp ngoài ngành, rất nhiều DN không có kỹ năng quản lý, điều hành và tài chính có hạn; các địa phương cấp dự án BĐS tràn lan, phát triển dự án thiếu kế hoạch, không cân đối với nhu cầu thực tế và khả năng nguồn lực của DN nên nhiều dự án dậm chân tại chỗ; cơ sở pháp lý các dự không vững chắc, không an toàn, nhiều hoạt động gây nhiễu loạn thị trường, thiếu minh bạch, có sự lừa đảo trong giao dịch mua bán…
Vì thế, dư nợ BĐS đã tăng rất nhanh, thời điểm cao nhất lên đến gần 280.000 tỷ đồng, hiện nay xuống còn khoảng 180.000 tỷ đồng.
Từ 2011 đến nay, do chịu tác động kép của khủng hoảng kinh tế thế giới, Chính phủ cắt giảm đầu tư… chính sách tiền tệ bị siết chặt làm cho yếu kém vốn có của BĐS càng bộc lộ rõ nét.
Thị trường BĐS trầm lắng, trì trệ không chỉ ảnh hưởng đến DN, người dân mà còn là khả năng trả nợ, gây khó khăn cho ngành ngân hàng; ảnh hưởng đến các DN về vật liệu xây dựng và xây lắp…
Một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến thị trường BĐS gặp khó khăn, theo Thứ trưởng Nam, vốn các DN BĐS chủ yếu phụ thuộc vào ngân hàng, vốn của bản thân DN BĐS rất nhỏ. Do đó, khi ngân hàng thắt chặt tín dụng thì thị trường BĐS lập tức gặp khó khăn.
Thực tế hiện nay, Thứ trưởng Nam nhận định: Các DN BĐS đã có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình, đặc biệt là thị trường phía Nam. Biểu hiện là chủ động điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, trong đó hướng đưa sản phẩm vào trúng nhu cầu thị trường hơn, giá cả phù hợp hơn với khả năng chi trả của người dân.
Song, “BĐS phía Nam đã giảm đến đáy, thậm chí có những dự án giảm dưới đáy, nhưng giao dịch vẫn rất trầm lắng. Chứng tỏ lòng tin của xã hội, DN vào thị trường BĐS suy giảm mạnh, chưa thể khôi phục nhanh chóng”- Thứ trưởng Nam cho biết.
Về xu hướng thị trường BĐS sắp tới, ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho biết: Từ 2/9 đến Tết âm lịch, điều gì sẽ xảy ra đối với thị trường BĐS. Đây chính là câu hỏi trung tâm của thị trường BĐS hiện nay. Ông Chung phân tích: Năm 2012, Tết âm lịch đến muộn. Vì vậy, sau 2/9 còn hơn 5 tháng để thị trường thể hiện. Sau khi lạm phát đã được coi là có thể đảm bảo kìm giữ ở mức chấp nhận được nên tín dụng có thể được nới lỏng nhất định. Sau khi tăng trưởng có thể không cao như mong muốn, lượng tài chính giải ngân cho nền kinh tế có thể được nới rộng. Sau một thời gian chờ đợi, quỹ tín thác được phép vận hành. Sau rất nhiều tranh luận, nhà giá thấp đã được chú ý. Vì vậy, có một xung lực tốt đang vận hành vào thị trường BĐS. Nếu các điều kiện khác không xấu đi, thị trường sẽ đi lên.
Ông Chung đặc biệt nhấn mạnh: Sau 2 năm rưỡi (2010, 2011, nửa đầu 2012) thị trường trầm lắng và có thể nói đã nằm ở vùng đáy trong khoảng 2011 đến nay, thị trường BĐS phải đi lên. Đây là những chu kỳ không thể khác, xu thế bắt buộc phải tìm lối đi lên là rõ nét.
Tuy vậy, ông Chung cũng khẳng định: Không phải đã là thời điểm bùng nổ của thị trường. Bởi, nhiều DN vẫn đang rất khó khăn, nhiều dự án không thể triển khai được. Những đối tượng này, “tại thời điểm này, bắt buộc phải được từ bỏ. Nếu không, tình trạng chỉ càng xấu đi”. Đặc biệt là có những rủi ro liên quan đến hệ thống ngân hàng vì suy cho cùng giai đoạn này, hệ thống ngân hàng vẫn là nguồn cung cấp tài chính hàng đầu cho thị trường BĐS, cho DN kinh doanh BĐS.
(Theo VOV)