Sở Xây dựng vừa trình UBND thành phố về nội dung ý tưởng quy hoạch hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng đến năm 2030. Theo đó, hạ tầng giao thông nội thị và liên tỉnh có sự liên kết với tính động, an toàn, hiệu quả trong phát triển giao thông công cộng.
Quy hoạch hạ tầng giao thông
Việc quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông đô thị Đà Nẵng được đề xuất theo 4 giai đoạn. Giai đoạn 1 lấy nhà ga đường sắt hiện tại làm trung tâm mở các tuyến xe buýt đi các hướng Liên Chiểu, Mân Thái, An Hải Bắc, An Hải Đông (Sơn Trà), Mỹ An, Khuê Mỹ (Ngũ Hành Sơn) và tuyến nội thị trên địa bàn quận Hải Châu. Giai đoạn 2 xây dựng tuyến đường sắt quốc gia mới, đồng thời xây dựng các tuyến nối với nhà ga này. Giai đoạn 3 hoàn thiện các tuyến xe điện và xe buýt khu vực trung tâm thành phố. Giai đoạn 4 hoàn thiện các tuyến giao thông công cộng.
Quy hoạch chi tiết về hạ tầng giao thông được xác định đối với Ga đường sắt mới dự kiến được chọn tại địa điểm cuối đường Nguyễn Sinh Sắc - Phạm Như Xương. Về đường bộ có các tuyến đường liên tỉnh và khu vực như đường cao tốc Bắc - Nam, đường tránh Nam Hải Vân, Ngô Quyền - Lê Văn Hiến - đường vành đai phía nam. Hạ tầng đường liên tỉnh và khu vực này tối thiểu có 4 làn xe mỗi bên. Các đường trục chính ở thành phố được xác định Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành, Điện Biên Phủ, Trần Cao Vân, Lê Duẩn, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Duy Tân, Trần Thị Lý, 30 tháng 4, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng Tháng Tám, 2 tháng 9, Trường Chinh, Lê Đại Hành, Hoàng Sa, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hồ Xuân Hương. Đường khu vực nội thị có từ 1-2 làn xe mỗi bên.
Vấn đề hệ thống giao thông công cộng được đa dạng hóa các phương thức vận chuyển như xe buýt, xe buýt tốc hành, giao thông công cộng tổng hợp. Theo đó đến năm 2030, hoàn thiện 8 tuyến xe buýt tỏa ra khắp các quận, huyện. Giao thông thủy chủ yếu khai thác trên sông Hàn, sông Cổ Cò với các tuyến dọc, tuyến ngang gồm 11 bến tàu. Đối với tàu điện (metro) có 2 tuyến; tuyến 1 sử dụng đường sắt hiện nay sau khi nhà ga đường sắt mới đi vào hoạt động; tuyến 2 được đầu tư từ KCN Hòa Khánh đến cuối quận Ngũ Hành Sơn.
Cú hích từ taxi
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn thành phố hiện có 6 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng taxi. Các đơn vị đã đầu tư 100% xe mới, với 828 xe taxi đang hoạt động (trên tổng số 930 xe đã được UBND thành phố cho phép). Đa số các đơn vị vận tải sử dụng phương tiện có chất lượng khá tốt, nhãn hiệu chủ yếu là Toyota (chiếm 60%), KIA…; hầu hết được sản xuất từ năm 2008 trở lại đây. Theo nội dung đề án điều chỉnh “Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng taxi từ năm 2012 đến 2020 và tầm nhìn 2030” vừa được Sở Giao thông vận tải báo cáo với UBND thành phố vào đầu tháng 7-2012 cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch tăng số lượng xe taxi và nâng cao chất lượng dịch vụ trong thời gian đến nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thành phố và khách vãng lai là phù hợp với nhu cầu thực tế.
Theo đó, giai đoạn 1 (từ nay đến 2015) nhu cầu tăng cao, do vậy sẽ tăng số đầu phương tiện là 15%/năm, đến năm 2015 số lượng xe khoảng 1.700 chiếc. Giai đoạn 2 (2015-2020) phát triển bình thường, bình quân tăng 5%/năm, đến năm 2020 số lượng xe khoảng 2.000 chiếc. Giai đoạn 3 (2020-2030) bình quân tăng 2,5%/năm, đến năm 2030 số lượng xe khoảng 2.500 chiếc. Dự kiến từ nay đến 2020, mỗi năm sẽ phát triển thêm 1 doanh nghiệp taxi. Đối với doanh nghiệp mới, yêu cầu đầu phương tiện ban đầu ít nhất là 100 xe và phải có lộ trình phát triển, phải mới 100%. Có mặt bằng đỗ xe theo quy định và bố trí đủ diện tích đỗ xe theo phương án kinh doanh, bảo đảm các yêu cầu về an ninh trật tự, ATGT, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường… Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp taxi hiện có tăng số lượng đầu xe.
Theo Baodanang.vn