Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

Đà Nẵng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng

PDF.InEmail

kinh-te-da-nang-tăng-truong-va-hoi-nhapNgày 1-1-1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Nhờ sự chú trọng thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, khai thác các tiềm năng, thế mạnh thành các lợi thế so sánh, Đà Nẵng đang  từng bước thể hiện vai trò ở tầm cao hơn trong khu vực, cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp với xu thế chung của cả nước, phát triển theo hướng bền vững và hội nhập, để đến năm 2020 trở thành một thành phố công nghiệp.

 

 

Tăng trưởng ổn định


Đà Nẵng được xác định là một trong 5 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho cả khu vực. Nhận thức rõ xu hướng phát triển trong bối cảnh hội nhập, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư phát triển, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đột phá để khai thác tốt tiềm năng và phát huy lợi thế so sánh của thành phố.

 

kinh-te-da-nang-tang-truong-hoi-nhap-2

 

Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 1997 – 2011 đạt 11,30%/năm, Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong cả nước. GDP bình quân đầu người được nâng lên rõ rệt, năm 2000 đạt 6,91 triệu đồng/người, đến năm 2011 xấp xỉ 40 triệu đồng (bằng 1,6 lần so với mức bình quân chung cả nước). Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở mức hợp lý và bền vững trong dài hạn, Đà Nẵng đã gắn tăng thu nhập với tăng chất lượng cuộc sống, phấn đấu đến năm 2015 giảm hết 32.790 hộ nghèo theo chuẩn mới. Năm 1997, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội chỉ trên 1.000 tỷ đồng, đến năm 2011, con số này đã lên trên 25.000 tỷ đồng, trở thành yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm. Các dự án trọng điểm được thực hiện nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng, bổ sung thiết bị và hiện đại hóa, đào tạo nguồn nhân lực được ưu tiên tập trung đầu tư.

 

Phù hợp với xu thế chung


Trải qua 15 năm, kinh tế Đà Nẵng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực phù hợp với xu thế chung của cả nước, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế, từ công nghiệp - dịch vụ sang dịch vụ - công nghiệp, trong đó ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu GDP, lao động và đầu tư. Sự chuyển dịch các yếu tố sản xuất như lao động, vốn từ ngành có hiệu suất thấp là nông nghiệp sang các ngành có hiệu suất cao hơn là dịch vụ và công nghiệp được xem là phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.  

 

 Tăng trưởng của nền kinh tế thành phố trong giai đoạn 1997-2011 thể hiện rõ nét qua việc tăng trưởng của cả ba nhóm ngành: Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp hầu như liên tục đạt 2 chữ số với tỷ trọng tăng nhanh trong thời kỳ đầu và chậm lại từ năm 2009; tăng trưởng của ngành dịch vụ khá cao, đặc biệt từ năm 2006-2011, tăng cao hơn nhiều so với tăng trưởng GDP của thành phố, chiếm tỷ trọng cao nhất  trên 54,2% vào  năm 2010; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 3,48%/năm, có tỷ trọng giảm đều phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng dịch vụ, công nghiệp và nông, lâm, thủy sản. Sự chuyển dịch này thể hiện qua từng giai đoạn như giai đoạn 1997-2000, tỷ trọng ngành nông nghiệp có xu hướng giảm dần từ 9,7%/năm xuống 7,9%/năm; ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất (15,08%/năm). Giai đoạn 2001-2005,  tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp vào cơ cấu GDP và cơ cấu lao động của thành phố với tốc độ tăng trưởng bình quân rất cao 25,59%/năm, đóng góp nhiều nhất (10,66%) vào tăng trưởng chung của nền kinh tế (15,98%). Đây là giai đoạn Đà Nẵng đề ra mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa bằng cách tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và các khu công nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu kinh kế giai đoạn 2006-2011 đã đánh dấu thời kỳ phát triển mạnh của ngành dịch vụ với tốc độ tăng trưởng bình quân 19,01%, cao hơn gấp hai lần so với giai đoạn trước, đóng góp 8,97% vào tăng trưởng GDP bình quân năm (12,1%).

 

alt

 

Thực trạng chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế của thành phố trong thời kỳ 1997-2011 có sự chuyển biến khá rõ giữa hai khu vực Nhà nước và ngoài Nhà nước theo hướng kết hợp khai thác nguồn lực trong nước và mở rộng kinh tế với bên ngoài. Khu vực ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tham gia ngày càng sâu rộng, chiếm  trên 62% cơ cấu kinh tế vào năm 2011. Tính đến cuối năm 2011, trên địa bàn thành phố đã thu hút 208 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư lên đến 3,3 tỷ USD.

 

 Chuyển dịch cơ cấu kinh tế Đà Nẵng còn được tính đến quan hệ giữa chuyển dịch trong cơ cấu lao động và chuyển dịch của vốn đầu tư. Giai đoạn 1997-2011, ngành dịch vụ vẫn luôn chiếm tỷ trọng vốn đầu tư lớn. Năm 1997, vốn đầu tư vào ngành dịch vụ là 453,1 tỷ đồng, chiếm 41,64% trong cơ cấu vốn đầu tư và xếp thứ hai sau ngành công nghiệp. Đến năm 2000, tổng số vốn đầu tư vào khu vực dịch vụ là 1.492,5 tỷ đồng, tăng lên gấp 2 lần, chiếm 63,27% và có tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu vốn đầu tư của thành phố. Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư cho khu vực dịch vụ dự kiến là 83.000-85.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 60% tổng vốn đầu tư của nền kinh tế.

 

Để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020, Đà Nẵng tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp (tỷ trọng dịch vụ 54-60%, công nghiệp 44-39%, nông nghiệp 2-1%), trong đó chú trọng chuyển biến về chất trong thành phần kinh tế, hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao và có năng lực cạnh tranh  quốc gia và quốc tế.

 

Các giải pháp đột phá


Với mục tiêu trên, Đà Nẵng ưu tiên tập trung nghiên cứu triển khai 5 giải pháp. Đó là, thành phố sẽ ban hành chương trình tổng thể thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng sức cạnh tranh ở khu vực dịch vụ và công nghiệp, có các mục tiêu và lộ trình thực hiện rõ ràng; tập trung chuyển dịch sâu trong nội bộ ngành dịch vụ với lựa chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn; tạo bước đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở đào tạo tại chỗ và thu hút nhân tài; hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo môi trường đầu tư có sức cạnh tranh và hấp dẫn.

 

 Đến năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt 5.000 USD. Sự điều hành của chính quyền thành phố sẽ phải vượt qua những thử thách mới của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu để các mục tiêu chất lượng tăng trưởng kinh tế, hài hòa cơ cấu đầu tư đi sát với thực tế và linh hoạt. Những chủ trương đúng hướng, kịp thời; những giải pháp mang tính đột phá, đi trước đón đầu; tận dụng và khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có tại địa phương; phát huy tối đa nội lực từ sự đồng thuận, huy động các nguồn lực từ bên ngoài vẫn là những bài học kinh nghiệm quý báu mà Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát huy.

 

Theo baodanang.vn

 

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 428 khách Trực tuyến