Đã tròn một năm kể từ ngày UBND thành phố Đà Nẵng kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bến tàu, đóng tàu du lịch trên sông Hàn và các tuyến sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có nhà đầu tư nào mặn mà với dự án này và kế hoạch phát triển du lịch trên sông của ngành Du lịch thành phố vẫn đang giậm chân tại chỗ.
Quy mô dự án
Ý tưởng phát triển du lịch đường sông của ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng không phải là mới so với nhiều địa phương có điều kiện địa lý sông ngòi thuận lợi trong cả nước. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề một bến tàu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế thể hiện sự khác biệt về tầm nhìn phát triển lâu dài cho sản phẩm du lịch đường sông. Đó là cách làm của Đà Nẵng: không vội vàng, có chiến lược và quy mô xứng tầm, bởi du lịch đường sông đặt ra rất nhiều vấn đề đối với công tác quản lý Nhà nước về an toàn đường thủy và môi trường sông biển.
Chính vì vậy, UBND thành phố đã kêu gọi đầu tư dự án xây dựng Bến tàu du lịch trên sông Hàn (tại địa điểm Cảng cá Thuận Phước cũ) phải có quy mô trên 60 tỷ đồng và đạt chuẩn quốc tế. Trong đó bao gồm xây dựng bến tàu phục vụ du khách du ngoạn trên sông Hàn; xây dựng nhà hàng, nơi cung cấp thông tin, bán vé và các công trình phụ trợ khác cho các tàu du lịch hoạt động trên sông Hàn; đóng mới tàu du lịch để hoạt động trên sông Hàn; đầu tư hệ thống giao thông, điện, nước và thông tin liên lạc đầy đủ.
Tính khả thi
“Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư và phát triển tàu du lịch trên sông đi kèm theo kêu gọi dự án cũng khá hấp dẫn nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư tiềm lực nào hỏi thăm”, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói. Lý do chính là yêu cầu quy mô dự án đặt ra quá lớn, trong khi tính khả thi về kinh doanh của dự án trong giai đoạn hiện nay không bảo đảm. Theo ông Trần Văn Tạo, chủ doanh nghiệp tư nhân Sơn Trà có tàu du lịch Mỹ Xuân, lượng khách du lịch trên các tuyến dọc theo sông Hàn, làng Vân, vịnh Đà Nẵng, Cù lao Chàm... chủ yếu là khách nội địa đi theo nhóm hoặc gia đình. Hoạt động chính của tàu du lịch là chở khách đi du ngoạn trên sông biển, ngắm san hô và cắm lều trại. Mỗi tàu chỉ có thể chở 20-30 khách, nhưng không có khách thường xuyên. Nói chung, các điểm dừng, sản phẩm và dịch vụ phục vụ khách du lịch còn ở cấp độ sơ khai.
Đối với dịch vụ du lịch trên sông ban đêm, hiện chỉ có duy nhất tàu du lịch Sông Hàn với quy mô phục vụ đến 300 khách, giá chào bán độc quyền nên các công ty du lịch rất khó giới thiệu tour cho khách vào các dịp lễ hội. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vương Hoàng, quyền Trưởng Bộ phận Inbound Công ty CP Du lịch Đà Nẵng khẳng định, chỉ có thể ghép tour du lịch trên sông vào ban đêm vì tàu du lịch Sông Hàn có bến đón và trả khách, còn các tàu đi ban ngày không có bến đậu nên công ty không dám mạo hiểm đưa khách đi các tour này.
Hiện nay Đà Nẵng có 13 tàu khai thác dịch vụ du lịch đường sông biển trên địa bàn thành phố, hầu hết có công suất nhỏ dưới 30CV. Bến bãi đón trả khách thì không có, sản phẩm, dịch vụ du lịch nghèo nàn, khách du lịch đi tour sông biển không thường xuyên, tất cả những yếu tố này gộp lại đã nói lên một điều: Đà Nẵng vẫn chưa có sản phẩm du lịch sông biển.
Vấn đề cần nhìn nhận ở đây, nếu xem bến tàu du lịch là cơ sở hạ tầng thì thành phố hoàn toàn có thể đầu tư xây dựng và cho thuê để kêu gọi phát triển du lịch sông biển giống như đầu tư hạ tầng cho các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Và thay vì kêu gọi đầu tư bến tàu, thành phố tập trung kêu gọi nhà đầu tư đóng mới các tàu du lịch hiện đại đồng thời tự thiết kế các sản phẩm, dịch vụ du lịch để khai thác trên sông biển. Có như vậy, công tác quản lý Nhà nước sẽ giảm áp lực phải loay hoay xây dựng sản phẩm du lịch sông biển để tập trung quản lý các đơn vị tham gia khai thác, bảo đảm an toàn và môi trường du lịch đường thủy. Và chỉ khi có bến tàu du lịch thì Đà Nẵng mới có thể đặt vấn đề phát triển du lịch sông biển thành một trong các sản phẩm chủ đạo của ngành du lịch thành phố.
Theo Báo Đà Nẵng