Dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng tại báo cáo tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm nay vừa được công bố, Bộ Xây dựng vẫn ưu tiên các giải pháp "cứu" thị trường này.
Báo cáo này do Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa công bố.
Theo đó, mặc dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ giữa năm 2007, song thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2011 vẫn phát triển tích cực, đáp ứng nhu cầu về cơ sở sản xuất, thương mại, dịch vụ đô thị, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở của nhân dân, góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhìn chung thị trường vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, giá cả hàng hóa bất động sản, giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, nhất là tại các đô thị lớn.
Không những thế, cơ cấu hàng hoá bất động sản nhà ở vẫn mất cân đối; hiện tượng đầu cơ còn diễn ra phổ biến; tiến độ triển khai các dự án bất động sản vẫn chậm, đặc biệt là việc chậm triển khai các công trình hạ tầng xã hội.
“Vấn đề cung cấp dịch vụ đô thị trong các dự án khu đô thị mới dẫn đến chậm hình thành đô thị, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội; hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường bất động sản chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và tiết kiệm của người dân”, báo cáo nêu rõ.
Theo Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà, trong bối cảnh Chính phủ chủ trương thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát, việc kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản để chống đầu cơ là cần thiết, nhưng cần phải điều chỉnh linh hoạt để tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường bất động sản.
Trên cơ sở thực tiễn của thị trường và “sức khỏe” của các doanh nghiệp bất động sản, cơ quan này kiến nghị cơ quan chức năng không nên xem tín dụng bất động sản hoặc một số danh mục tín dụng bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất để khống chế tỷ trọng cho vay hoặc có thể thống kê tín dụng bất động sản thành mục riêng để có thể điều hành linh hoạt.
Đặc biệt, cơ quan quản lý cần có chỉ đạo đối với các tổ chức tín dụng không tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản nhưng điều chỉnh linh hoạt tỷ trọng cho vay đối với từng khoản mục tín dụng bất động sản.
Thậm chí, Cục kiến nghị một số khoản mục phải giảm tỷ trọng, nhưng cũng có khoản mục cần phải tăng hoặc giữ nguyên tỷ trọng như hiện nay; ưu tiên cho vay các dự án có tính thanh khoản cao, các dự án nhà ở phục vụ nhu cầu của đối tượng thu nhập trung bình và thu nhập thấp, cân đối nguồn vốn đáp ứng cho cả cung và cầu, hạn chế cho vay đầu cơ, rủi ro cao.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng kiến nghị cơ quan hữu quan cần nghiên cứu thêm hình thức "chuyển nợ" từ nhà đầu tư sang người mua nhà bằng cách ký lại khế ước vay giữa ngân hàng với nhà đầu tư sang khế ước vay giữa ngân hàng với người mua nhà, bằng cách này sẽ không làm tăng tỷ trọng tín dụng bất động sản nhưng sẽ tạo thanh khoản cho nhà đầu tư có vốn để tái đầu tư.
Nhằm hóa giải mất cân đối cung cầu về nhà ở, cơ quan này kiến nghị cần đa dạng hóa cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở phải xuất phát từ khâu quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và quản lý đầu tư theo quy hoạch.
Đồng thời cần tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường (tại Hà Nội, Tp.HCM các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80% ); hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự; căn hộ chung cư có diện tích từ 120m2 trở lên) tối đa không quá 20% trong tổng số nhà ở thương mại xây dựng mới.
Cục cũng đề xuất không triển khai các dự án không có khả năng kết nối hạ tầng, cung cấp dịch vụ đô thị; thực hiện nghiêm túc quy định về hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở, kiểm soát chặt chẽ tiến độ cam kết của các chủ đầu tư, của người mua nhà trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và hoàn thiện nhà ở...
Theo Người Đưa Tin