Sàn giao dịch Bất động sản Đà Nẵng

TP. Đà Nẵng - một đô thị phát triển bền vững và hội nhập

PDF.InEmail

Thành phố Đà Nẵng, một trong số ít thành phố ở nước ta nằm ở ven biển Miền Trung lại có nhiều yếu tố để hướng tới một đô thị Phát triển Bền vững và Hội nhập đến thế. Ngày nay, phát triển bền vững nói chung và phát triển đô thị bền vững nói riêng, vẫn được dựa trên 3 nguyên tắc kinh điển chủ yếu: Một là, kinh tế phát triển ổn định; Hai là, văn hoá xã hội có bản sắc và Ba là, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, đối với Phát triển Đô thị Bền vững, theo kết quả nghiên cứu mới nhất của một đề tài khoa học cho thấy còn phải được đề cập đến các yếu tố đặc thù riêng của đô thị là các tiện ích về cơ sở hạ tầng và các kỹ năng và hiệu quả về công tác quản lý đô thị nói chung và vận hành, điều tiết khai thác đô thị nói riêng.

Vùng ven biển Miền Trung và vai trò vị trí thành phố Đà Nẵng

Vùng ven biển Miền Trung có thể chia ra thành 3 vùng: Vùng ven biển Bắc Trung Bộ, vùng ven biển Trung Trung Bộ và vùng ven biển Nam Trung Bộ. Có thể dễ nhận thấy, vùng ven biển Trung Trung bộ , trong đó có thành phố Đà Nẵng, một thành phố có nhiều điểm mạnh nổi trội: có biển nước sâu, có sông, có núi và nhất là có một chiều dài lịch sử hào hùng trong quá trình hình thành, đấu tranh, xây dựng và phát triển. Hệ thống đô thị ven biển miền Trung nói chung, đã từ rất lâu trong quá trình phát triển, thành phố Đà Nẵng vẫn được xem như là một đô thị hạt nhân trong vùng. Bỡi vì,  trước hết Đà Nẵng là một thành phố có điều kiện tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi: có cảng biển nước sâu Tiên Sa, có nhiều bãi biển cát trắng dài, có chiều dài lịch sử hào hùng cùng cả dân tộc đấu tranh dựng nước, giữ nước và phát triển. Và trên tất cả là ngày nay, ai đã từng một lần đặt chân đến thành phố Đà Nẵng sẽ không khó để công nhận một điều “thành phố Đà Nẵng lạ quá, nhanh quá, rộng quá và có thể đẹp quá (?) nữa“. Tất nhiên, tùy cảm nhận của mỗi người, có thể có mức độ khác nhau, ý tưởng khác nhau, nhưng dẫu sao, đấy vẫn là những nhận xét chân thành, xây dựng và thân thiện nhất. Dưới góc độ một nhà quy hoạch đã từng tham gia nghiên cứu Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 đã được cố Thủ tướng Chính Phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt trong cuối những năm 90, cho rằng những nhận xét ấy, về cơ bản là khá đúng đắn và chính xác: thành phố Đà Nẵng đã thành công trong việc thực hiện các ý tưởng lớn của quy hoạch đã được phê duyệt nói trên.


Quy hoạch chung TP Đà Nẵng thời kỳ 2000-2020 (Nguồn: Đề tài NCKH độc lập câp Nhà nước – KC.00.01)

Tất nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay và những kinh nghiệm có được trong quá trình đi lên, thành phố Đà Nẵng cần có cách tiếp cận mới phù hợp hơn trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố. Trong xu thế phát triển hiện nay, thành phố Đà Nẵng có nên theo hướng như trong các thập kỹ qua nữa không? Đó là một câu hỏi không dễ có câu trả lời có thể chấp nhận được. Dù vậy, với xu thế phát triển nói chung và phát triển đô thị nói riêng, có thể cho thấy một xu thế tất yếu là “phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống và hướng tới phát triển bền vững và phát triển đô thị bền vững”.

Theo kinh nghiệm nhiều đô thị trên thế giới, nhất là các đô thị tại các nước trong khu vực như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Jakarta (Indonesia)... hay nhiều nước phát triển như Tokyo, Fukuoka...(Nhật bản), Canberra (Australia), Seoul (Hàn quốc),... hệ thống đô thị đều được quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển theo hướng vừa hiện đại, vừa truyền thống,... và nhất là thân thiện với môi trường, tạo nên sự cân bằng các hệ sinh thái, nhất là đưa hệ sinh thái tự nhiên vào đô thị, tạo nên sự cân bằng tự nhiên giữa hê sinh thái tự nhiên với hệ sinh thái đô thị. Đó là cách tiếp cận “vừa hiện đại vừa truyền thống, vừa quy mô lớn kết hợp với quy mô vừa và nhỏ, vừa bảo vệ môi trường vừa cân bằng các hệ sinh thái...”. Với cách tiếp cận như thế, nên chăng, việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng có thể:

Một là, về tính chất thành phố Đà Nẵng, nói chung là không thay đổi. Tuy nhiên, do xu thế và đặc điểm phát triển ngày nay, nên chăng nhấn mạnh và làm rõ thêm 2 yếu tố “Sinh thái -  Môi trường” và “Hội nhập Khu vực và Quốc tế”.

Hai là, về quy mô thành phố Đà Nẵng, có thể đến 2,0 đến 2,5 triệu dân vào năm 2020-2025, sẽ xếp sau thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội và ngang với thành phố Hải Phòng, sớm gia nhập vào hàng ngũ các thành phố trung bình và lớn trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Ba là, về tổ chức cơ cấu phát triển không gian, nên làm rõ các khu phát triển theo hình thức kiến trúc và quy mô đa dạng, linh hoạt theo các điều kiện tự nhiên: Đó là, các khu phát triển theo cơ cấu linh hoạt, mềm:

- Quy hoạch và kiến trúc hiện đại, với quy mô lớn có thể bố trí tại khu vực các quận nội thành hiện nay, trong đó có trung tâm thương  mại, văn hoá của thành phố với quần thể kiến trúc quanh nhà hát Trưng Vương hiện nay kéo dài ra đến ven sông Hàn, dọc đại lộ Bạch Đằng, một cảnh quan vừa cũ, vừa mới, vừa thiên nhiên vừa nhân tạo... rất hấp dẫn. Nơi đây vẫn là trung tâm Hành chính chính trị truyền thống của thành phố Đà Nẵng.

- Các khu quy hoạch và phát triển theo hình thức kiến trúc dân tộc, đặc thù với quy mô vừa và nhỏ tại làng Văn hoá Kơ Tu hay một số nơi được lựa chọn khác một cách hợp lý.

- Các khu phát triển theo xu thế khai thác các yếu tố sinh thái tự nhiên (sông, biển, hồ, núi, rừng...) với quy mô nhỏ tại ven các sông hồ tự nhiên như sông Cái, Suối Mơ, Bà Nà, Đống Nghệ, chân núi Sơn Trà. Tại đây, việc nghiên cứu quy hoạch cần khai thác tối đa các yếu tố tự nhiên vốn có như địa hình, cây xanh, mặt nước, hết sức tránh san lấp phá vỡ địa hình tự nhiên.. Hình thức kiến trúc và màu sắc công trình nên theo hướng tự nhiên, dân tộc, có quy mô nhỏ hài hoà, gần gũi với thiên nhiên... Ngày nay, xu thế này trên thế giới đang được khuyên khích khai thác và khai thác rất có hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường, cân bằng các hệ sinh thái vừa là xu thế phát triển hấp dẫn nhất trong thế kỹ 21 này.

- Các khu khai thác và phát triển du lịch biển, hồ, sông, núi với quy mô theo tính toán kinh tế kỹ thuật hợp lý nhất như Mỹ Khê, Furama, Non Nước, sông Hàn cùng với ngày hội pháo hoa quốc tế nổi tiếng... của thành phố Đà Nẵng.

Với thành phố Hội An, dù là ranh giới quản lý hành chính thuộc tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên về không gian du lịch, thành phố cổ Hội An một di sản kiến trúc thế giới đầu tiên được UNESCO công nhận, rất cần có sự gắn kết về không gian để khai thác phát triển du lịch hiệu quả hơn, các bên cùng có lợi cho Đà Nẵng và cho cả cho thành phố Hồ Chí Minh.

Đối với các khu sản xuất trong đô thị như Khu công nghiệp, cảng biển nước sâu, các khu kho tàng... là những khu chức năng sinh lợi đáng kể cho thành phố. Tuy nhiên, với xu thế ngày nay, các khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch.. đôi khi đem lại lợi nhuận không kém, thậm chí còn lớn hơn. Hơn nữa, các khu vực này ít đem lại những hậu quả về ô nhiễm môi trường và làm mất cân bằng các hệ sinh thái.

Một thành phố lớn có vai trò to lớn và quan trọng tại miền Trung và cả nước, nên chăng cần có một khu công nghệ cao, một xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Theo kinh nghiệm thế giới và khu vực, vai trò và xu thế phát triển các khu công nghệ cao có rất nhiều ưu thế: chiếm diện tích đất bé, tiêu thụ năng lượng ít, hàm lượng chất xám về khoa học và công nghệ rất cao, lợi nhuận đem lại cũng rất lớn. Và quan trong hơn, rất ít gây ô nhiễm môi trường và phá vỡ sự cân bằng các hệ sinh thái. Tất nhiên, yêu cầu về năng lực và trình độ cán bộ, công nhân đòi hỏi rất cao, trong khi ở Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung nhu cầu này trước mắt còn hết sức hạn chế, cần có kế hoạch đào tạo sớm.

Như vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng cần có nghiên cứu phù hợp đáp ứng các yêu cầu về bố cục không gian nêu trên, nhất là hệ thống giao thông đô thị cũng như giao thông quốc gia, giao thông vùng miền Trung.

Thành phố Đà Nẵng – cơ hội để hội nhập và phát triển

Nằm ở vị trí trung điểm Tam giác kinh tế trong điểm miền Trung, thành phố Đà nẵng đã và đang đóng vai trò là hạt nhân, là sức hút mạnh từ trong nước, khu vực và quốc tế cho các cơ hội đầu tư phát triển. Các yếu tố cơ bản để có được sự quan tâm của các nhà đầu tư, rất dễ nhìn nhận là:

Về phía mình, thành phố Đà Nẵng đã và đang sẵn sàng cho “cuộc chơi” lịch sử cho công cuộc nhảy vọt của chính mình:

- Thành phố Đà Nẵng đang có khá đầy đủ về cơ sở hạ tầng để đầu tư xây dựng, phát triển: cảng biển nước sâu, đường hàng không quốc tế, xa lộ Bắc - Nam, hành lang khu vực Đông – Tây...

- Cũng như nhiều đô thị khác, Đà Nẵng đang có một cơ chế thoáng và khá hấp dẫn về thủ tục, về đất đai, về lòng mến khách...

- So với nhiều đô thị khác ở miền Trung, Đà Nẵng là nơi đang có nguồn nhân lực dồi dào, tay nghề khá vững vàng và  giá cả còn ở mức thấp so với các thành phố khác như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải phòng...

Về vị trí địa lý, Đà Nẵng đang có một vị trí hết sức thuận lợi trong công cuộc phát triển:

-  Với những lợi thế vị trí trung độ của mình, thành phố Đà Nẵng thật sự có nhiều lợi thế trong công cuộc phát triển tại miền Trung và cả nước.


Vị trí chiến lược của thành phố Đà Nẵng tại miền Trung cả nước, quốc tế (Nguồn: Đề tài NCKH độc lập câp Nhà nước – KC.00.01)

Theo Thời báo kinh tế quốc tế số ra gần đây đã phác hoạ một sơ đồ (xem hình trên bên phải) các hành lang phát triển liên quan đến sự phát triển trong khu vực, trong nước và miền Trung:

- Hàng lang phát triển phía Bắc, nối liền Hà Nội, các tỉnh phía Bắc nước ta với các thành phố và tỉnh phía Nam Trung Quốc, một khu vực đầy tiềm năng cho công cuộc phát triển.

- Hàng lang phát triển phía Nam, nối liền thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh phía Bắc nước ta với các thành phố và tỉnh Campuchia, một khu vực có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là du lịch...

- Hàng lang phát triển Đông Tây, nối liền thành phố Đà Nẵng với một khu vực đầy tiềm năng miền Trung Lào và Thái Lan.

Trong thực tế, những hành lang phát triển ấy đã và đang đi vào cuộc sống của thành phố Đà Nẵng nói riêng, các đô thị khác ở nước ta và các nước láng giềng Lào, Capuchia, Thái Lan v.v...

Với tốc độ phát triển và diện mạo thành phố Đà Nẵng ngày nay, ta có quyền có niềm tin vững chắc vào tốc độ phát triển thần tốc trong tương lai gần của thành phố Đà Nẵng. Và chắc chắn, thành phố Đà Nẵng vẫn sẽ là một điểm sáng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển của cả nước. Đồng thời, thành phố Đà Nẵng cũng là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, các nhà đầu tư trong và ngoài nước...

GS.TS. Lê Hồng Kế - Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

Thông tin đất ven biển Đà Nẵng

Văn bản pháp lý BĐS

Thống kê lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
Hiện có 205 khách Trực tuyến