Với dân số gần 1 triệu người và quy mô dân số dự báo sẽ còn tăng nhanh theo đà phát triển trong những năm tiếp theo, thành phố Đà Nẵng đang hoạch định tầm nhìn chiến lược quy hoạch, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải công cộng. Hàng loạt chương trình, dự án nhằm nâng cấp hệ thống vận tải công cộng hiện đại đang được xúc tiến triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải cho người dân, phục vụ yêu cầu phát triển bền vững KT-XH của thành phố.
=> Đà Nẵng quy hoạch đô thj hướng ra sông biển
Tàu điện ngầm...
Thực tế, với tầm nhìn quy hoạch chiến lược về không gian, hạ tầng đô thị, giao thông hiện đại mà Đà Nẵng thực hiện trong những năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực. Đô thị Đà Nẵng chưa phải đối diện với nạn kẹt xe nghiêm trọng như các đô thị lớn khác. Tuy nhiên, để đón đầu sự phát triển trong những năm tới, chính quyền thành phố đã yêu cầu ngành giao thông vận tải có hướng đầu tư hệ thống tàu điện ngầm.
Theo đề xuất của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), thành phố sẽ đầu tư xây dựng 4 tuyến tàu điện ngầm với tổng chiều dài 90km, sử dụng hệ thống xe buýt nhanh, đường sắt nhẹ với kết cấu trên mặt đất, trên cao và đi ngầm dưới lòng đất. Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên đầu tư xuất phát từ Nhà hát Trưng Vương - nút giao thông Điện Biên Phủ (đi ngầm) - ngã ba Huế. Tại đây sẽ tiếp tục có hai nhánh, gồm rẽ phải đi lên KCN Hòa Khánh và rẽ trái đi về phía ngã ba Hòa Cầm. Tổng vốn đầu tư cho dự án lên đến hơn 6 tỷ USD. Theo chuyên gia JICA, với việc mở rộng không gian đô thị như hiện nay, Đà Nẵng đầu tư xây dựng hệ thống tàu điện ngầm là phù hợp, giảm ùn tắc giao thông tại khu trung tâm, các KCN... Mạch 2 cũng được xác định hướng tuyến sang khu đô thị sinh thái Hòa Xuân - Ngũ Hành Sơn
Bãi đỗ xe ngầm
Sở Xây dựng cho biết, hiện đã xác định trên 10 địa điểm công cộng đáp ứng các điều kiện để đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Ngoài ra, còn nhiều địa điểm đầu tư khác tại các dự án nhà cao tầng. Khởi điểm bãi đỗ xe ngầm được đầu tư thuộc công viên phụ cận Nhà hát Trưng Vương. Dự án này do Công ty CP địa ốc Viễn Đông đầu tư và kết nối liên thông với dự án Viễn Đông Meridian. Công viên công cộng và bãi đỗ xe ngầm Viễn Đông gồm 3 tầng hầm, trong đó 2 tầng dưới là chỗ đậu xe, tầng trên cùng là diện tích thương mại. Phần mặt bằng công viên có đầu tư hệ thống nhạc nước, tháp đồng hồ công cộng. Tuy nhiên, do nguyên nhân khách quan từ phía chủ dự án nên công trình ngưng trệ.
Ở thời điểm năm 2011, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch 3 bãi đỗ xe ngầm tại khu vực nội thị, gồm khu vực dự án khách sạn Sun Novotel; khu công viên đường Quang Trung - Ông Ích Khiêm - Trần Cao Vân và tại dự án Mondian đường Trần Phú. Mỗi điểm có thiết kế ngầm sâu trên 3 tầng, bảo đảm cho trên 2.000 chỗ đậu ô-tô đều do các doanh nghiệp đầu tư, không sử dụng vốn ngân sách. Đầu năm 2012, UBND thành phố tiếp tục bổ sung lựa chọn thêm các địa điểm kêu gọi đầu tư bãi đỗ xe ngầm như khu vực nhà hàng đường 2 tháng 9 với diện tích một ha; Công viên 29-3 trên đường Điện Biên Phủ...
Sở Xây dựng đang chỉ đạo thiết kế dự án, lựa chọn các giải pháp công nghệ hiện đại để UBND thành phố kêu gọi đầu tư và cùng với vốn ngân sách triển khai dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên 29-3. Đây là một bước đột phá trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị của Đà Nẵng trước thực trạng thành phố có gần 3.600 ô-tô, gần 600.000 xe máy và các phương tiện này cứ 5 năm lại tăng gấp đôi số lượng.
Các địa điểm quy hoạch bãi đỗ xe ngầm đều thuận lợi cho việc quản lý và khai thác mạng hạ tầng giao thông đô thị. Tuy nhiên nguồn vốn đầu tư, lựa chọn công nghệ vẫn là vấn đề nan giải.
Theo Danang.gov.vn